Bỏ đo huyết áp, chưa vội tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh
BS Trương Hữu Khanh lo ngại trẻ em được tiêm phòng vaccine COVID-19 sẽ có nguy cơ là nguồn lây cho gia đình khi có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Quy trình tiêm phòng vaccine cần đơn giản hơn nữa để càng nhiều người tiếp cận.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm đảm bảo cho học sinh TP được an toàn, an tâm trong việc học, được sớm trở lại học tập và rèn luyện trực tiếp tại các trường, Sở GD&ĐT đề nghị UBND TP.HCM có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine mũi 1 và mũi 2 cho đối tượng học sinh từ 12 đến 18 tuổi với nguồn vaccine cho phép trong độ tuổi này trước khi kết thúc học kỳ 1.
Điều này sẽ tạo điều kiện để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp khi bắt đầu học kỳ 2 năm học 2021-2022. Số lượng đề xuất tiêm vaccine là 642.459 học sinh, học viên.
Trao đổi về việc sớm tiêm vaccine cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi, BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng hiện tại chưa nên vội tính đến việc tiêm vaccine cho học sinh trước khi kịp bao phủ vaccine mũi 1 và 2 cho tất cả các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nặng khi nhiễm virus như người già, người có bệnh nền, thai phụ... Vaccine được tiêm cho độ tuổi học sinh thông thường là vaccine Pfizer thường được tiêm cho người già, nên ưu tiên tiêm cho người già trước.
BS Khanh đồng tình tiêm vaccine cho càng nhiều đối tượng càng tốt, kể cả trẻ em nhưng trong bối cảnh vaccine chưa đủ bao phủ cho các đối tượng nguy cơ thì nên ưu tiên đối tượng nguy cơ. “Phải xác định bao phủ vaccine là phải đủ cho những người được ưu tiên, ưu tiên tiêm cho những người này xong thì mới bàn đến việc tiêm cho đối tượng khác. Điều này phù hợp với chiến lược giảm tử vong số ca mắc COVID-19 hiện nay” – BS Khanh nêu ý kiến.
Mặt khác, theo BS Khanh, văn hóa của gia đình Việt Nam là sống quây quần nhiều thế hệ, trẻ em nếu được tiêm vaccine thì khi mắc bệnh tải lượng virus trong người thấp và ít có biểu hiện ra bên ngoài hoặc biểu hiện nhẹ, khó kịp thời phát hiện khi nhiễm bệnh. Do đó, nếu trẻ mắc bệnh mà không hay đang sống chung với những người lớn tuổi, người có bệnh nền trong gia đình mà chưa được vaccine bảo vệ đủ thì vô tình trở thành nguồn lây bệnh âm thầm nguy hiểm.
Theo BS Khanh, mặc dù thành phố đang nỗ lực bao phủ vaccine đến người dân nhưng vẫn còn nhiều đối tượng chưa tiếp cận được vaccine. Việc tiêm vaccine thời gian gần đây đã được thay đổi, có nhiều điểm tiêm lưu động nhưng các đối tượng như thai phụ, người cao tuổi và người bệnh nền phải đến bệnh viện để tiêm chủng do quy định tiêm vaccine cho các đối tượng này phải ở trong bệnh viện. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh do người dân phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác, quận này qua quận kia, không đúng tinh thần thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, BS Khanh gợi ý các hình thức tiêm vaccine phải rút gọn thủ tục và linh động hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
“Chẳng hạn, các nước trên thế giới còn tổ chức tiêm vaccine ở nơi gần nhà nhất, người đi siêu thị, lái xe trên đường cũng được tiêm vaccine. Người được tiêm vaccine không cần phải đo huyết áp, người cao tuổi không cần phải tiêm trong bệnh viện” – BS Khanh dẫn chứng.
BS Khanh lưu ý TP cần rà soát tất cả những đối tượng ưu tiên như trên 65 tuổi, có bệnh lý nền để tiêm hết cho họ bởi một khi hết thực hiện giãn cách xã hội thì họ cũng rất dễ lãng quên việc tiêm vaccine, và tâm lý không còn dịch bệnh thì cũng không cần tiêm làm gì. Nếu chẳng may virus bùng phát lại thì đây là những đối tượng dễ bị tấn công nhất. Ở Mỹ, khi dịch bùng phát lại, nhiều người lớn tuổi không tiêm vaccine đã trả giá bằng tính mạng.
Về việc tiêm mũi 2 vaccine, BS Khanh cho rằng cần phải tiêm thật nhiều mũi 2 cho những đối tượng nguy cơ, không nên cứng nhắc phải đến thời gian tối đa tiêm nhắc của loại vaccine đó vì TP.HCM đang là vùng dịch, việc tiêm mũi 2 phải được triển khai sớm nhất có thể.