Bộ đội Biên phòng trong cuộc chiến với tội phạm ma túy: Bài 2: Nhiều chiến công và không ít mất mát, hy sinh

Đấu tranh với tội phạm ma túy là cuộc chiến đầy cam go, nguy hiểm, là 'một mất một còn'. Đấu tranh với các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, ở địa bàn biên giới xa xôi, hẻo lánh, nhiều núi cao, vực sâu hay trên biển cả mênh mông lại càng vất vả, hiểm nguy gấp bội.

Thế nhưng, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) luôn sẵn sàng đối mặt, vượt mọi gian khổ, hy sinh để góp phần giữ sự bình yên cho nhân dân, đất nước trước hiểm họa ma túy thường xuyên đe dọa...

“Thủ lĩnh” đánh án ma túy và những “mẻ lưới” lớn

Giữa những ngày cao điểm của Tháng hành động phòng, chống ma túy (6-2023), tôi được gặp Đại tá Bùi Đức Trung, Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cao Bằng, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMTTP) miền Trung (Đoàn 2) tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 / 11-6-2023).

Gần 30 năm quân ngũ, Đại tá Bùi Đức Trung trải qua nhiều vị trí công tác, đã trực tiếp tham gia triệt phá hàng trăm chuyên án, vụ án về ma túy. Đặc biệt, từ giữa năm 2019 đến cuối năm 2022, trên cương vị Đoàn trưởng Đoàn 2, Đại tá Bùi Đức Trung đã chỉ đạo, tổ chức lực lượng đấu tranh thành công 17 chuyên án; chỉ huy đơn vị chủ trì và phối hợp phát hiện, bắt giữ 159 vụ/403 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 750kg ma túy các loại. Trong đó, có những chuyên án đặc biệt lớn, thu giữ tới 260kg ma túy; nhiều chuyên án được coi là điển hình về trình độ nghiệp vụ cao, bắt giữ toàn bộ đường dây tội phạm...

Đại tá Bùi Đức Trung nhớ rành mạch tất cả những vụ án, chuyên án do anh chỉ huy, trong đó đặc biệt ấn tượng là Chuyên án A-121p vào đầu năm 2021, do Cục PCMTTP, Bộ tư lệnh BĐBP xác lập nhằm đấu tranh với một đường dây buôn bán ma túy số lượng lớn từ Lào vào Việt Nam. Nhận được thông tin có 11 đối tượng, trang bị 5 súng AK, lựu đạn, vận chuyển 10 ba lô có chứa ma túy sẽ cắt rừng vượt biên giới sang Việt Nam giao hàng..., theo nhiệm vụ Ban chuyên án giao, Đại tá Bùi Đức Trung trên cương vị Tổ trưởng Tổ đánh bắt số 3 đã chọn những cán bộ đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của đơn vị và trực tiếp khảo sát địa hình, chọn vị trí mật phục có các yếu tố bảo đảm an toàn...

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) tuyên truyền cho các em học sinh ở bản Buốc Pát, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La) về những tác hại của ma túy. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) tuyên truyền cho các em học sinh ở bản Buốc Pát, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La) về những tác hại của ma túy. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Khi tổ quan sát, cảnh giới báo cáo: "Đối tượng phía Việt Nam đã nhận được hàng, đang điều khiển phương tiện chở hàng chạy với tốc độ cao về hướng Tổ đánh bắt số 3 mật phục", Đại tá Bùi Đức Trung lập tức chỉ huy các bộ phận chuyển từ đội hình mật phục thành đội hình ngăn chặn, bao vây. Ô tô của đối tượng lọt vào đội hình đánh bắt, tại vị trí không thể đi nhanh, anh Trung cùng 3 trinh sát lập tức lao ra, đập cửa kính khống chế đối tượng; đồng thời, phối hợp với các tổ khác phong tỏa, bảo vệ hiện trường, chế áp các mũi, hướng, không để các đối tượng người Lào vừa giao ma túy tiếp ứng, cướp lại hàng vì giá trị lô hàng rất lớn (115kg ma túy đá). Đến tháng 4-2021, tiếp tục đấu tranh giai đoạn 2 của Chuyên án A-121p, Đại tá Bùi Đức Trung trực tiếp chỉ huy lực lượng bắt giữ thêm 1 đối tượng, thu 215kg ma túy đá và nhiều tang vật.

Trong một chuyên án khác, vào tháng 7-2022, trên cương vị Phó trưởng ban chuyên án A3-722, Đại tá Bùi Đức Trung đã trực tiếp chỉ huy đội đánh án bắt giữ 3 đối tượng, đặc biệt là kịp thời khống chế đối tượng sử dụng súng quân dụng ngay tại nhà ga tàu hỏa, nơi có nhiều hành khách chuẩn bị lên tàu; thu giữ 30kg ma túy đá, 1 khẩu súng K59 và 24 viên đạn.

Với những thành tích đạt được trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, Đại tá Bùi Đức Trung đã được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì cùng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh BĐBP...; được vinh danh tại Chương trình tôn vinh điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm ma túy do Bộ Công an tổ chức vừa qua và được đại diện cho lực lượng PCMTTP của BĐBP báo cáo thành tích với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Trong lực lượng BĐBP có rất nhiều tấm gương điển hình, được ví là "khắc tinh" của tội phạm ma túy như Đại tá Bùi Đức Trung. Tinh thần dũng cảm, không quản gian khổ, hiểm nguy, hy sinh quên mình trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy của cán bộ, chiến sĩ BĐBP nơi biên giới, biển, đảo khiến bao người mến phục.

Những liệt sĩ giữa thời bình

Trước khi giữ chức Phó tư lệnh BĐBP, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện là Cục trưởng Cục PCMTTP, vì vậy, ông thấu hiểu những vất vả và hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy: “Bất kỳ khi nào, ở đâu, tội phạm ma túy đều rất liều lĩnh, manh động. 100% tội phạm ma túy trên biên giới có vũ khí "nóng", sẵn sàng nhả đạn để giải cứu đồng bọn, cướp lại ma túy, chống sự truy bắt của lực lượng chức năng... Do đó, dù có cẩn trọng bao nhiêu thì trong chiến đấu, sự hy sinh, mất mát là điều không thể tránh khỏi”.

Trong những tấm gương anh dũng hy sinh khi đấu tranh với tội phạm ma túy, không thể không nhắc tới anh hùng liệt sĩ Lù Công Thắng, Trợ lý Trinh sát, Phòng PCMTTP, BĐBP tỉnh Sơn La. Trong Chuyên án 114L, ngày 31-7-2010, Thượng úy Lù Công Thắng cùng đồng đội bất ngờ ập vào khống chế, bắt giữ đối tượng mang súng K69 cùng tang vật là 6 bánh heroin. 2 đối tượng còn lại bỏ chạy. Với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Thượng úy Lù Công Thắng và tổ công tác tiếp tục truy đuổi 2 đối tượng đến sát biên giới Việt Nam-Lào thì chúng bất ngờ xả súng... Trước sự hy sinh anh dũng của người cán bộ biên phòng có bề dày thành tích đấu tranh với tội phạm ma túy (Thượng úy Lù Công Thắng đã cùng đồng đội triệt phá nhiều vụ án ma túy, bắt giữ hàng chục đối tượng nguy hiểm, thu hơn 80 bánh heroin, 6,5kg thuốc phiện, hàng nghìn viên ma túy tổng hợp và nhiều vũ khí "nóng"), Bộ Quốc phòng đã truy thăng cấp hàm Thiếu tá và Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với Thượng úy Lù Công Thắng.

Dù nay đã là một vị tướng, trải qua nhiều cương vị công tác, thường xuyên chỉ đạo các lực lượng thuộc quyền đấu tranh với tội phạm nhưng mỗi khi nhắc đến gương hy sinh của Đại úy QNCN Ngô Văn Vinh, nhân viên Đội PCMTTP, Đồn Biên phòng Tân Thanh (BĐBP tỉnh Lạng Sơn), Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam vẫn bồi hồi, xúc động. Ngày 21-5-2010, khi Đại úy QNCN Ngô Văn Vinh cùng tổ tuần tra truy bắt 2 đối tượng vận chuyển ma túy qua đường mòn biên giới, các đối tượng đã lợi dụng trời tối, sương mù và địa hình hiểm trở, dùng súng chống trả quyết liệt. “Thời điểm đó, trên cương vị Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh, tôi đã trực tiếp, cấp tốc đưa Ngô Văn Vinh từ Bệnh viện huyện Văn Lãng về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Trên đường đi, cùng với gọi loa xin đường, tôi yêu cầu lái xe chạy nhanh nhất có thể để mong giành giật sự sống cho Vinh. Thế nhưng vết thương quá hiểm, đồng chí Vinh đã hy sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của tất cả mọi người. Trong 6 năm công tác ở đơn vị, Ngô Văn Vinh đã trực tiếp phá được 5 vụ án ma túy, 4 vụ án tiền giả, 3 vụ án buôn bán phụ nữ và trẻ em, 4 vụ buôn pháo nổ. Ngoài ra, Vinh còn tham gia với các đồng chí trong Đội triệt phá 27 vụ án ma túy khác”, Thiếu tướng Lê Quang Đạo nhớ lại.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm gần đây, toàn lực lượng BĐBP quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đánh án nên đã hạn chế được tối đa thương vong, song cũng không thể tránh được tuyệt đối. Gần đây nhất là vào giữa năm 2019, Thiếu tá Vi Văn Nhất, cán bộ Phòng PCMTTP (BĐBP tỉnh Thanh Hóa) đang cùng đồng đội kiểm tra một đối tượng có biểu hiện nghi vấn vận chuyển ma túy thì bất ngờ bị đồng bọn của đối tượng ẩn nấp gần đó dùng súng bắn xối xả. Thiếu tá Vi Văn Nhất đã hy sinh trên đường đi cấp cứu...

Phía sau những chiến công

Đầu tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã đến thăm gia đình anh hùng liệt sĩ Lù Công Thắng tại bản Nà Ngùa, phường Chiềng An, TP Sơn La, tỉnh Sơn La. Trong căn nhà nhỏ được xây bằng tình đồng chí, nghĩa đồng đội, chị Tòng Thị Khoong là vợ của anh hùng liệt sĩ Lù Công Thắng đang dốc lòng chăm sóc con trai chuẩn bị thi đại học. Cháu Lù Công Hiếu mong muốn được viết tiếp ước mơ nơi biên giới của người bố đã hy sinh.

Chị Khoong xúc động tâm sự: "Gần 13 năm đã trôi qua kể từ ngày anh Thắng hy sinh, nhưng tôi vẫn không thể nào quên ngày định mệnh 31-7-2010. Mất mát quá lớn khiến tôi gục ngã! Nhưng vì tương lai của cháu Hiếu, tôi quyết tâm vượt qua. Năm 2011, tôi được thủ trưởng BĐBP bố trí làm y tá điều dưỡng ở Bệnh xá Biên phòng tỉnh Sơn La. Trở thành BĐBP, tôi càng thêm nhớ chồng và đồng cảm với nhiệm vụ của những người lính mang quân hàm xanh đấu tranh với tội phạm ma túy. Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, giờ cháu Hiếu đã sắp thi đại học và muốn trở thành BĐBP. Tôi mừng vì con biết suy nghĩ đến những điều lớn lao, nhưng thực lòng không khỏi lo lắng, suy nghĩ vì mình đã chứng kiến và trải qua những nỗi đau, mất mát quá lớn. Dù vậy, tôi vẫn tôn trọng lựa chọn của con".

Trong quá trình thực hiện loạt bài viết này, tôi cũng đã trở lại thăm gia đình chị Đỗ Thu Hương, vợ của liệt sĩ Ngô Văn Vinh, tại phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Sau khi chồng anh dũng hy sinh, chị Hương đã gắng gượng vượt mọi khó khăn, nuôi con trai Ngô Thế Quang khôn lớn. Tự hào về người bố hy sinh nơi biên giới, suốt những năm qua, cháu Quang luôn phấn đấu đạt học sinh giỏi. Sang năm, Quang sẽ thi đại học và cũng ấp ủ ước mơ được trở thành người sĩ quan làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh nơi biên cương Tổ quốc. Căn nhà cấp 4 của hai mẹ con Ngô Thế Quang nhỏ nhắn nhưng khá gọn gàng, ngăn nắp. Ngước nhìn lên di ảnh của người chồng thân yêu, chị Đỗ Thu Hương nghẹn ngào: “Anh Vinh hy sinh đã hơn 13 năm nhưng lúc nào mẹ con em cũng nghĩ anh ấy vẫn đang ở nhà. Những khi phải đối mặt với khó khăn, vất vả trong cuộc sống, em càng nhớ anh ấy nhiều hơn”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện tâm sự: “18 năm từ khi lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của BĐBP được thành lập, có 6 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và 26 đồng chí bị thương tật nặng trong lúc chiến đấu với tội phạm ma túy; hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bị phơi nhiễm HIV, bị thương nhẹ... Để có được những chiến công trong các chuyên án, vụ án, góp phần ngăn chặn những kẻ tội phạm gieo rắc “cái chết trắng”, nhiều gia đình BĐBP đã phải gánh chịu nỗi đau mất mát không gì có thể bù đắp được”.

(còn nữa)

MAI CHU ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bo-doi-bien-phong-trong-cuoc-chien-voi-toi-pham-ma-tuy-bai-2-nhieu-chien-cong-va-khong-it-mat-mat-hy-sinh-732209