Bộ đội cấp nước sạch giúp dân chống hạn
Nắng nóng, khô hạn kéo dài nhiều tháng qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân tại nhiều địa phương ở tỉnh Bình Phước.
Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ bà con ứng phó với hạn hán, các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn đã nỗ lực triển khai các biện pháp cung cấp nước sinh hoạt cho bà con...
Hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng
Đầu tháng 4, đến huyện Bù Gia Mập, tâm điểm hạn hán của tỉnh Bình Phước, chúng tôi chứng kiến hàng loạt vườn điều khô héo, phơi ra nền đất trắng xóa, nhiều chỗ nứt toác, mặt đất đầy lá khô, cong giòn dưới nắng. Nắng nóng rát mặt, oi bức, có cảm tưởng chỉ cần một tàn lửa nhỏ cũng có thể biến những khu vườn điều và những cánh rừng trồng thành biển lửa.
Tìm mót những quả điều vàng héo trên ngọn cây cao, ông Điểu Ninh, người dân tộc S’tiêng, ngụ tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, than thở: “Nắng nóng kéo dài, cây điều thiếu nước nghiêm trọng làm cho bông bị khô, quả lép, năng suất thấp. Dự kiến năm nay chỉ đạt khoảng 1,5 tấn/ha, giảm gần 600kg/ha so với cùng kỳ năm 2023. Tôi cố gắng tìm lượm được ít nào hay ít đó”.
Ở cạnh bên, khu vườn tiêu gần 2ha của bà Điểu Thị Bơi cũng bị úa vàng, khô héo do nắng nóng gay gắt, thiếu nước tưới. “Những ngày qua, giá tiêu tăng cao hơn 100.000 đồng/kg nhưng lại không có để bán. Hạn hán gay gắt khiến năng suất sụt giảm mạnh. Mỗi trụ tiêu năm nay chỉ thu hoạch được khoảng 2kg, giảm khoảng 50% năng suất so với năm trước”, bà Bơi than thở.
Theo những người trồng, cây tiêu cần phải tưới nước hằng ngày, nhưng hạn hán kéo dài, giếng khoan sâu hơn 30m cũng đã cạn kiệt nên không còn nước tưới.
Không chỉ thiếu nước phục vụ sản xuất mà nước phục vụ sinh hoạt của người dân cũng bị thiếu trầm trọng. Đồng chí Điểu Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết: Xã Bù Gia Mập là một trong những nơi bị ảnh hưởng bởi khô hạn nặng nhất của huyện. Toàn xã có gần 400 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt.
Dẫn chúng tôi đi xem giếng khoan sâu gần 20m, anh Điểu Thái, ngụ tại xã Bù Gia Mập, nói: “Hơn 10 ngày trước còn bơm được ít nước, gia đình tiết kiệm lắm mới tạm đủ sinh hoạt. Nhưng mấy ngày nay, giếng đã cạn khô, không bơm được giọt nào nữa”.
Là hộ thuộc diện khá giả ở địa phương, ông Điểu Cư đã thuê người khoan giếng sâu gần 100m, nhưng lượng nước bơm được cũng rất ít.
Theo đánh giá của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, tình trạng nắng nóng kéo dài từ tháng 12-2023 đến nay đã khiến gần 1.500 hộ dân trên địa bàn tỉnh bị thiếu nước sinh hoạt và hơn 8.200ha hoa màu bị khô hạn, trong đó nghiêm trọng nhất là các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng, Lộc Ninh... Nguồn nước tích trữ ở các ao, hồ cũng đã xuống rất thấp, như hồ Đa Bông Cua (huyện Bù Đăng) giảm 3,2m; hồ Bù Kal (huyện Lộc Ninh) giảm 2,6m...
Theo giới chuyên gia, hạn hán do tác động của thời tiết nắng nóng kéo dài và đặc thù địa bàn tỉnh Bình Phước là địa hình trung gian giữa cao nguyên với đồng bằng nên các hồ, đập, sông, suối, mực nước ngầm thường giảm nhanh vào mùa khô. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi ở nhiều địa phương chưa đồng bộ; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Vì vậy, việc khoan giếng, triển khai các biện pháp trữ nước ứng phó với hạn hán còn hạn chế, thụ động.
Bộ đội tập trung nguồn lực giúp dân
Trước tình hình thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng của người dân, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 778 (Quân khu 7) đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện Bù Gia Mập và các đơn vị bạn tổ chức cấp nước miễn phí cho bà con trên địa bàn đóng quân.
Tại xã Bù Gia Mập, nơi chúng tôi có mặt, khi chiếc xe ô tô chở gần 20m3 nước của đơn vị vừa dừng lại, đã có đông người dân chờ sẵn để được lấy nước. Mang theo nhiều can, thùng đựng nước, ông Điểu Tâm, ngụ tại thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, nói: “Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, những ngày khô hạn không có nước sinh hoạt. Chúng tôi phải mua nước với giá hơn 20.000 đồng/m3 mà nhiều ngày cũng không có để mua. Nay được bộ đội đem nước đến tận nhà, gia đình tôi cảm ơn cán bộ, chiến sĩ nhiều lắm!”.
Hơn nửa tháng qua, Đoàn KT-QP 778 đã khai thác, vận chuyển, cung cấp hơn 1.000m3 nước sinh hoạt giúp đỡ bà con. Bên cạnh đó, các đơn vị Quân đội trên địa bàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sử dụng nước tiết kiệm; tổ chức lực lượng nạo vét, tu sửa các ao, hồ, công trình thủy lợi và hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp che nắng cho cây trồng; ủ bèo, lá xanh vào gốc cây để làm mát, hạn chế bốc hơi nước. Nhiều đơn vị, địa phương đã triển khai chính sách hỗ trợ, tặng thùng, bồn chứa nước cho người dân khó khăn; hướng dẫn, giúp dân đào, khoan giếng đúng mạch, nguồn nước.
UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo, chống hạn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cấp ủy, chính quyền các địa phương. UBND các địa phương đã chủ động trích ngân sách, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn; tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy rừng; điều tiết nguồn nước; ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt, đời sống của nhân dân; nước cho gia súc, gia cầm và cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Đồng chí Lý Trọng Nhân, Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập cho biết, cùng với quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách chống hạn hán hiện nay thì về lâu dài, địa phương tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, bảo đảm cấp nước sạch đến 100% hộ dân; đồng thời chủ động đổi mới phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng theo hướng thuận thiên, thích ứng với điều kiện khô hạn.
Tuy nhiên, điều quan trọng và cốt lõi trong việc giải quyết hiện tượng thiếu nước vào mùa khô thì mỗi gia đình, người dân cần phải chủ động trong việc tích trữ nước như xây bể, đào ao, các địa phương cần xây các hồ chứa ở nơi phù hợp... Tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại.