Bộ đội Cụ Hồ - Một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại - Bài 3: Tiếp tục khẳng định, phát huy hệ giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ (Tiếp theo và hết)

Bộ đội Cụ Hồ là sản phẩm chính trị, đạo đức, văn hóa, mang ý nghĩa nhân dân sâu sắc, được chính nhân dân cảm nhận, đúc kết, khẳng định và truyền tụng, đồng thời có cội nguồn sâu xa từ lịch sử đặc biệt của dân tộc.

Đó là di sản, là sản phẩm, là tài sản tinh thần vô giá chứa đựng những giá trị văn hóa cao đẹp, bền vững, đồng thời mang tính độc đáo của lịch sử dân tộc. Vì vậy, chắc chắn rằng, cùng với những di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được khẳng định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể rất độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại.

Tiếp tục tạo sức sống mới cho hệ giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ

Sự xuất hiện của Bộ đội Cụ Hồ trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc ta đã trải qua 80 năm. Thời gian đó so với lịch sử dân tộc không dài, song chỉ bằng thời gian đó, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã đi vào lịch sử, đi vào đời sống đất nước, đi vào lòng dân và đời sống cộng đồng một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn, trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới.

Những đặc trưng của kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trở thành một hệ giá trị văn hóa thống nhất, được nhân dân xác định, đồng thuận, ngợi ca. 80 năm qua, biết bao thế hệ người mẹ, người cha đã tin tưởng gửi con em mình vào Quân đội để tuổi trẻ trở thành chiến sĩ cách mạng được mang danh hiệu đầy khiêm tốn mà kiêu hãnh, tự hào: Bộ đội Cụ Hồ.

Với ý nghĩa đó, có 3 vấn đề lớn đặt ra trong hiện tại và tương lai, đó là tiếp tục phát huy, phát triển và khẳng định giá trị văn hóa này, để nó có sức sống ngày càng bền vững, trở thành chuẩn mực văn hóa cho các thế hệ chiến sĩ và góp phần làm giàu có, phong phú cho các di sản, tài sản văn hóa của dân tộc ta. Cũng có ý kiến cho rằng, hình tượng, kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong hai phần trên cho phép chúng ta khẳng định rằng, kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử đấu tranh, trong truyền thống văn hóa lâu đời và độc đáo của dân tộc ta.

Vì vậy, từ cội nguồn dân tộc và nhân dân, nó có sức sống bền vững, phải được bảo vệ, củng cố và phát triển trong thời gian tới. Mặt khác, từ yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn mới, theo mục tiêu cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, việc tập trung mọi nỗ lực để tiếp tục xây dựng, nuôi dưỡng kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trở nên tất yếu, trở thành một nội dung xuyên suốt trong toàn bộ quá trình xây dựng Quân đội từ nay về sau. Tất nhiên, kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ không phải và không thể là sản phẩm tự phát mà cần một sự chuẩn bị và tiến hành công phu, khoa học, kiên trì, sáng tạo không ngừng.

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới nhằm mục tiêu tạo ra những thế hệ kế tiếp nhau trở thành người quân nhân cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và bảo vệ nhân dân, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, tạo khả năng phát triển toàn diện của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trước yêu cầu mới đó, nhiệm vụ tiếp tục phát huy, phát triển kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ phải đồng thời xử lý hai mối quan hệ cơ bản.

Quan hệ lớn bảo đảm sự thống nhất hài hòa giữa yêu cầu chung đối với con người Việt Nam thời kỳ mới và yêu cầu riêng mang tính đặc thù của người chiến sĩ trong tổ chức quân sự. Xử lý biện chứng quan hệ lớn này sẽ tạo được hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, đồng thời chuẩn bị cho sự phát triển phẩm chất công dân theo những đòi hỏi hiện đại, khi người cán bộ, chiến sĩ xuất ngũ. Sự đổi mới toàn diện các lĩnh vực cơ bản trong hoạt động Quân đội, đặc biệt là công tác Đảng, công tác chính trị, tư tưởng-văn hóa trong Quân đội sẽ là chìa khóa giải quyết hiệu quả quan hệ trên.

Quan hệ đặc thù trong bản thân Quân đội, đó là vừa khẳng định những giá trị cốt lõi, cơ bản, dứt khoát không thể thay đổi, vừa sẵn sàng bổ sung, phát triển các nội dung mới cần có, phải có trong nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Định hướng và xử lý đúng quan hệ đặc thù giúp Quân đội chủ động trong quá trình nuôi dưỡng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ, tránh được hai khuynh hướng, hoặc là bảo thủ, cứng nhắc trong ý chí; hoặc là bị động trước tác động ngày càng phức tạp đối với tổ chức Quân đội chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai. Từ quan hệ này, việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa "xây" và "chống" trở thành “vũ khí” hữu hiệu để bảo vệ và phát triển nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Chú trọng “văn hóa hóa” đời sống Quân đội

Con đường và giải pháp cơ bản, bao trùm là: Trên nguyên tắc lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, làm nền tảng, cần chú trọng “văn hóa hóa” toàn bộ đời sống Quân đội.

Văn hóa hóa toàn bộ đời sống Quân đội là nuôi dưỡng và xây dựng cho mỗi cán bộ, chiến sĩ thành những quân nhân có văn hóa mang phẩm chất, giá trị văn hóa, thành nhu cầu của chính mình; là sự biến đổi mọi lĩnh vực của đời sống quân nhân từ ăn, ở, mặc, huấn luyện, lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi, vui chơi, quan hệ nội bộ và quan hệ với nhân dân ở mọi lúc, mọi nơi theo các chuẩn mực văn hóa, ngày càng nỗ lực hướng tới chân-thiện-mỹ và sự hoàn thiện của nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Trong đó, cái gốc của văn hóa là tình yêu Tổ quốc, nhân dân, là chủ nghĩa nhân văn, tôn trọng con người dân chủ, công bằng, bình đẳng, minh bạch... tạo lập cho quân nhân một môi trường văn hóa-môi trường sống thực sự lành mạnh, tốt đẹp và phong phú. Ở đó, mỗi quân nhân được thể hiện hết mọi khả năng của mình với sự nỗ lực cao nhất trong tình thương yêu của tập thể, đồng chí, đồng đội.

Văn hóa hóa còn mang ý nghĩa sâu xa, bền chặt hơn là ở quá trình, thông qua toàn bộ hoạt động tư tưởng, chuyển những yêu cầu chính trị cơ bản: Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thành những văn hóa thấm sâu trong nhân cách cán bộ, chiến sĩ. Có nghĩa là, các yêu cầu trên không dừng lại ở nhận thức lý thuyết khô cứng mà phải được chuyển hóa thành bản lĩnh, tình cảm, thành tố chất bên trong mỗi cán bộ, chiến sĩ. Nhân cách Bộ đội Cụ Hồ được hình thành, phát triển và dần định hình từ quá trình đó. Truyền thống Bộ đội Cụ Hồ không chỉ của quá khứ mà được hiện thực hóa, phát triển, khẳng định trong hiện tại và tương lai.

Tính bền vững, thấm sâu trong đời sống, trong tình cảm của nhân dân suốt 80 năm là đặc điểm hết sức rõ ràng của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Có lẽ chưa ở đâu hình tượng đó không chỉ lan tỏa trong đời sống mà còn đi vào văn hóa, văn học, văn nghệ, tạo nên trong lịch sử văn hóa-văn nghệ Việt Nam một dòng chảy mạnh mẽ, hào sảng, trung thực, đầy sức vẫy gọi, cổ vũ con người về hình tượng người chiến sĩ “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” (Lê Anh Xuân), “Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép” (Nam Hà), “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” (Quang Dũng), “Những cuộc đời đã hóa núi sông ta” (Nguyễn Khoa Điềm)... Hầu như ở tất cả loại hình văn hóa-nghệ thuật Việt Nam suốt 80 năm qua, các nghệ sĩ, chiến sĩ đều dành những tình cảm đẹp và trân trọng nhất cho việc tái hiện hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Khác với nhiều hình tượng văn học-nghệ thuật do sự sáng tạo thông qua đặc trưng khám phá cuộc sống hình tượng và hư cấu, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là kết quả của sự đúc kết, tái hiện từ bản thân đời sống, từ nguyên mẫu Bộ đội Cụ Hồ trong hiện thực. Chính những nguyên mẫu đó đã tạo nên cảm xúc, cảm hứng sáng tạo của người chiến sĩ.

Thử nêu vài ví dụ quen thuộc trong sáng tác âm nhạc. Trong 80 năm qua, hàng loạt ca khúc đi cùng năm tháng, sống trong tình cảm sâu lắng của nhân dân đều mang âm hưởng “hành quân” của đoàn quân chiến thắng Bộ đội Cụ Hồ, như: “Cùng nhau đi hồng binh” (Đinh Nhu), “Cảm tử quân” (Hoàng Quý), “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam” (Văn Cao), “Vì nhân dân quên mình” (Doãn Quang Khải), “Tiến bước dưới quân kỳ” (Doãn Nho), “Đội cận vệ bất diệt” (giao hưởng Đàm Linh), “Anh vẫn hành quân” (Huy Du), “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục), “Hành khúc ngày và đêm” (Phan Huỳnh Điểu), “Bước chân trên dải Trường Sơn” (Vũ Trọng Hối), “ Chào anh Giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” (Hoàng Vân), “Hát mãi khúc quân hành” (Diệp Minh Tuyền)...

Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Có thể khẳng định rằng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ có giá trị kép. Một là, bản thân danh hiệu đó là một giá trị văn hóa quân sự nói riêng và giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại nói chung. Hai là, vẻ đẹp, sức hấp dẫn, lan tỏa của danh hiệu đã tạo ra một giá trị riêng của văn học-nghệ thuật Việt Nam hiện đại: Dòng văn học-nghệ thuật về LLVT và chiến tranh cách mạng mà hình tượng trung tâm là Bộ đội Cụ Hồ. Phải chăng chỉ nước ta mới có được một giá trị kép, gắn kết chặt chẽ với nhau như vậy?

Bộ đội Cụ Hồ là sản phẩm chính trị, đạo đức, văn hóa, mang ý nghĩa nhân dân sâu sắc, được chính nhân dân cảm nhận, đúc kết, khẳng định và truyền tụng, đồng thời có cội nguồn sâu xa từ lịch sử đặc biệt của dân tộc. Đó là di sản, là sản phẩm, là tài sản tinh thần vô giá chứa đựng những giá trị văn hóa cao đẹp, bền vững, đồng thời mang tính độc đáo của lịch sử dân tộc. Vì vậy, chắc chắn rằng, cùng với những di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được khẳng định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể rất độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại.

Danh hiệu cao quý đó không chỉ là di sản của quá khứ mà là tài sản tinh thần của Quân đội ta, hôm nay và mai sau. Trong ý nghĩa đó, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố, bảo vệ, phát huy và phát triển trong toàn bộ quá trình xây dựng từ nay về sau giá trị Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân, Bác Hồ và Đảng đã trao tặng.

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/bo-doi-cu-ho-mot-gia-tri-doc-dao-cua-van-hoa-viet-nam-hien-dai-bai-3-tiep-tuc-khang-dinh-phat-huy-he-gia-tri-van-hoa-bo-doi-cu-ho-tiep-theo-va-het-783912