Bộ đội, dân quân dốc sức giúp dân chống bão
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 5, từ trưa ngày 16-9 đến nay, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân, biên phòng thành phố Hội An (Quảng Nam) và quận Sơn Trà (Đà Nẵng) thường xuyên có mặt tại các địa bàn xung yếu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, đồng thời tổ chức lực lượng, phương tiện sơ tán hàng nghìn người dân đến khu vực tránh trú an toàn.
Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ không ngại hiểm nguy, gian khổ, dốc sức giúp dân chống bão đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền và người dân các địa phương...
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 16-9, trên địa bàn thành phố Hội An trời bắt đầu có mưa to, gió rít liên tục từng hồi dữ dội. Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng nằm sát bờ biển, tuy đã chủ động chằng chống, xếp bao cát lên mái tôn khá kỹ càng song hai mẹ con chị Trần Thị Năng (43 tuổi, phường Cửa Đại) vẫn rất hồi hộp, lo lắng. Trưa 17-9, được cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS thành phố và Ban CHQS phường Cửa Đại cho xe buýt đến tận nhà đón đến nơi tránh trú, chị rất yên tâm và xúc động. Trò chuyện với chúng tôi tại nơi sơ tán, chị Năng chia sẻ: “Trước khi đưa mẹ con tôi rời đi, mấy chú bộ đội, dân quân còn trèo lên nóc nhà kiểm tra, gia cố lại toàn bộ mái tôn. Cửa chính, cửa sổ cũng được mấy chú chằng buộc rất cẩn thận bằng dây thép. Mong bão qua nhanh để cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường”.
Nhớ lại trận bão kinh hoàng cách đây gần chục năm, bà Phạm Thị Pha (70 tuổi) cho biết: “Thấy trời quang mây tạnh nên lần ấy mọi người ai cũng chủ quan, chẳng đề phòng gì cả. Khi mấy chú bộ đội, dân quân đến vận động đi sơ tán, nhiều người còn tìm cách trốn tránh, không chịu đi, may mà mấy chú làm rất kiên quyết, triệt để nên cuối cùng người dân vẫn phải chấp hành. Chúng tôi đi sơ tán lúc chiều thì nửa đêm bão chính thức đổ bộ, trong chốc lát, hàng chục căn nhà tạm ven biển bị gió lốc hất văng, kéo ra tận ngoài mép nước. Thế nên bây giờ, nghe bộ đội thông báo đi sơ tán là mọi người khẩn trương thu dọn đồ đạc, khóa cửa lên đường ngay. ”.
“A lô, a lô. Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 4 giờ sáng nay 18-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, ở ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Bình. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Trong 12 giờ tới, dự báo bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Dự kiến trưa nay, bão sẽ đổ bộ vào đất liền, khu vực các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Bình với sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại của bão, đề nghị bà con thực hiện tốt các khuyến cáo sau…”. Đã 3 ngày nay, tiếng loa tuyên truyền lưu động phòng chống bão của các chiến sĩ dân quân thường trực phường Cửa Đại đã trở nên quen thuộc, gần gũi với bà con tiểu thương buôn bán, kinh doanh trong khu chợ Phước Hải và âu thuyền Phước Trạch.
Anh Trương Minh Sỹ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Cửa Đại cho biết: “Do công việc bận rộn nên nhiều người dân không có thời gian đọc báo, xem thời sự để cập nhật tình hình bão, dó đó, chúng tôi chủ động ghi âm các bản tin dự báo thời tiết và khuyến cáo của chính quyền địa phương, sau đó dùng xe máy chở âm ly, loa máy đi tuyên truyền lưu động tại các khu vực có đông dân cư làm ăn, sinh sống để nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống bão cho bà con. Tuy quân số mỏng, lại căng kéo thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên cắt cử lực lượng đến hỗ trợ các gia đình chính sách, người già yếu, tàn tật chằng chống nhà cửa, kê đặt đồ đặc, tài sản chống bão”.
Trung tá Lê Phước Thành, Phó chỉ huy, Trưởng Ban CHQS thành phố Hội An cho biết: “Tính đến 10 giờ sáng ngày 18-9, chúng tôi đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng các địa phương tổ chức di dời, vận động được gần 1.000 người dân sinh sống trong các khu nhà tạm ven biển đi sơ tán tập trung; tuyên truyền, hỗ trợ hàng nghìn người dân khác đến tránh trú bão tại các gia đình thân quen, có nhà ở kiên cố, cao ráo; kêu gọi được 175 tàu thuyền công suất lớn ở phường Cửa Đại về nơi neo đậu, tránh trú bão. Theo khuyến cáo của địa phương, sau khi chằng chống lồng bè, từ sáng sớm nay, các hộ nuôi trồng thủy hải sản đã chủ động lên bờ, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi bão đổ bộ”.
Nằm ở phía Đông thành phố Đà Nẵng, nơi có hàng nghìn tàu thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ và hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, trước khi bão đổ bộ, Ban CHQS quận Sơn Trà đã tham mưu cho UBND quận tiến hành rà soát, chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai, huy động lực lượng chằng chống nhà cửa, doanh trại, kho tàng, cắt tỉa cành cây, khơi thông cống rãnh, dòng chảy các khu vực có nguy cơ ngập úng cao; phối hợp cùng các đơn vị thuộc Vùng 3 Hải quân, Lữ đoàn 83 (Quân chủng Hải quân), Đồn Biên phòng Sơn Trà, kêu gọi, hỗ trợ ngư dân kêu gọi, tời kéo, di chuyển, neo đậu hơn 2.000 tàu cá; tổ chức lực lượng, phương tiện sơ tán được gần 6 nghìn người dân đến nơi tránh trú an toàn. Theo Thượng tá Phạm Văn Tám, Chính trị viên Ban CHQS quận: “Với phương châm 4 tại chỗ, chúng tôi đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sử dụng các ngôi trường kiên cố trên địa bàn làm điểm sơ tán tập trung. Trong trường hợp cần thiết, doanh trại của các đơn vị quân đội cũng được sử dụng để tiếp đón bà con đến tránh bão. Hai ngày nay, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân cơ động tăng cường cho Ban CHQS các phường, tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con, ngư dân phòng chống bão, phối hợp cùng các lực lượng tổ chức tuần tra kiểm soát bảo vệ an ninh, an toàn các khu vực”.
Đang tất bật kiểm tra toàn bộ hệ thống áo phao, phao cứu đuối trên chiếc ca nô ST660, trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá QNCN Huỳnh Kim Tuyền, Trợ lý quân khí kiêm lái ca nô ban CHQS quận Sơn Trà cho biết: “Ngoài lực lượng chức năng, mỗi chuyến, chiếc ca nô này có thể chở được tối đa khoảng 12 người dân. Xác định giúp dân phòng chống lụt bão là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, chúng tôi thường xuyên tổ chức luyện tập, nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng, phương pháp cứu hộ, cứu nạn, cứu đuối. Bất kể ngày hay đêm, nhận lệnh là chúng tôi lập tức lên đường ngay”.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG