Các chỉ tiêu theo Chiến lược Tài chính toàn diện có khả năng hoàn thành vào năm 2025

Ngày 19/11/2024, tại Hà Nội, Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia (Tổ thường trực) về Tài chính toàn diện đã có phiên họp lần thứ hai để đánh giá kết quả thực hiện của Tổ Thường trực trong thời gian qua, đồng thời cập nhật tình hình triển khai chiến lược và định hướng hoạt động trong thời gian tới.

Tham dự và điều phối cuộc họp có ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - NHNN (Tổ phó Tổ Thường trực); Ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng – NHNN, (Tổ phó 2 Tổ Thường trực); Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Văn phòng Chính phủ); Và đại diện thành viên Tổ Thường trực đến từ 16 cơ quan, bộ, ngành và đại diện một số đơn vị liên quan thuộc NHNN.

Ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế điều phối cuộc họp

Ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế điều phối cuộc họp

Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện được thành lập theo Quyết định 1394/QĐ-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về tài chính toàn diện, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Phát biểu khai mạc, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, thời gian vừa qua, NHNN và các bộ, ngành đã thực hiện chủ động các nhiệm vụ được giao theo thông báo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng sau lần họp lần thứ nhất vào tháng 8/2022 về tài chính toàn diện. Phiên họp lần thứ hai nhằm đánh giá lại những kết quả thực hiện Kế hoạch hoạt động của Tổ Thường trực giai đoạn 2021 – 2024 và định hướng kế hoạch hoạt động năm 2025. NHNN với vai trò là Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia, mong muốn đại diện các bộ ngành cập nhật thông tin tại đơn vị trong quá trình thực hiện tài chính toàn diện; Những khó khăn, vướng mắc và các đề xuất thêm cho hoạt động của Tổ Thường trực cũng như Ban chỉ đạo, từ đó chuẩn bị tốt cho Hội nghị Sơ kết việc thực hiện Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng chủ trì vào năm 2025.

Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hoạt động của Tổ Thường trực về Tài chính toàn diện Quốc gia giai đoạn 2021-2024 và định hướng kế hoạch hoạt động năm 2025, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, thực hiện Quy chế hoạt động của Tổ Thường trực, Tổ đã chủ động tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; triển khai các hoạt động liên quan khác phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo. Tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm đối với các đơn vị trong ngành Ngân hàng (bao gồm các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán) trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia (ban hành theo Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020 của Thống đốc NHNN) nhằm nắm bắt tình hình triển khai Chiến lược. Tổ Thường trực cũng đã khảo sát thực địa nắm bắt tình hình tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân, doanh nghiệp tại các địa phương (tập trung vào các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa tại Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc…); Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội thảo/tọa đàm liên quan đến tài chính toàn diện; Triển khai hiệu quả các chương trình truyền thông, đào tạo, nâng cao hiểu biết về tài chính toàn diện; đồng thời huy động các nguồn lực triển khai tài chính toàn diện…

Ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng báo cáo tại cuộc họp

Ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng báo cáo tại cuộc họp

Tại cuộc họp, ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cũng đã báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến hết năm 2023; Dự thảo Kế hoạch Sơ kết việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia giai đoạn 2020 – 2025.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhất trí cao về nội dung Báo cáo. Đồng thời có trao đổi về những khó khăn, thách thức, đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo và hiện thực hóa các mục tiêu về tài chính toàn diện đã đặt ra.

Ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho rằng, việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, với vai trò là Cơ quan Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo và trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan, việc triển khai Chiến lược đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đa số các chỉ tiêu của Chiến lược đều được cải thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025. Để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo đạt được những mục tiêu của Chiến lược, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực thực hiện tốt những nhiệm vụ chung cũng như những nhiệm vụ cụ thể được giao cho từng bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan.

Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Theo Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về Tài chính toàn diện, thành phần Ban Chỉ đạo bao gồm:

1. Thủ tướng Chính phủ (Trưởng Ban);

2. Thống đốc NHNN (Phó Trưởng Ban) và

Đại diện Lãnh đạo của 16 cơ quan, Bộ, ngành, gồm: VPCP; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công thương; Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao; Bộ Nông nghiệp và PTNT; Bộ Lao động Thương binh Xã hội; Bảo hiểm Xã hội; Đài truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam và NHNN.

Nguyễn Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cac-chi-tieu-theo-chien-luoc-tai-chinh-toan-dien-co-kha-nang-hoan-thanh-vao-nam-2025-157947.html