Bộ đội Hải quân: Giữ cho không gian biển mãi xanh
Biển, đảo luôn gắn liền với mỗi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Hằng năm, cứ vào dịp hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới, khắp các đơn vị Hải quân đều thi đua đẩy mạnh các hoạt động thiết thực, nhất là chung tay thu gom rác thải nhựa để 'Biển là nhà, đảo là quê hương'; giữ cho môi trường biển mãi xanh…
Chung tay cùng địa phương làm sạch biển
Những năm gần đây vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Ô nhiễm biển đã đến mức báo động gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Trước những thách thức đó, các đơn vị Hải quân đã thường xuyên giáo dục để cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường biển.
Vùng 5 Hải quân-đơn vị đóng quân trên huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã làm tốt việc chung tay làm sạch biển, chống rác thải nhựa và được thực hiện vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Cùng với đó, đoàn thanh niên còn hăng hái thực hiện Phong trào “Ngày vì môi trường Phú Quốc” được phát động từ đầu năm 2020. Vào thứ Bảy tuần đầu tiên của tháng đoàn viên, thanh niên địa phương và lực lượng vũ trang cùng nhau làm cho biển, đảo Phú Quốc thêm sạch, đẹp.
Đại úy, Nguyễn Tiến Lực, Trợ lý Công tác quần chúng, Phòng Chính trị Vùng 5 Hải quân cho biết: “Thời gian qua, tuổi trẻ đơn vị đã đẩy mạnh phong trào chung tay làm sạch biển, phấn đấu mỗi đơn vị có một mô hình hiệu quả để góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Mỗi đoàn viên thanh niên còn tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, ngư dân thực hiện xả rác đúng quy định, cùng chung tay bảo vệ môi trường".
Đến Phú Quốc vào mỗi dịp cuối tuần của tuần đầu tháng, trên các ngả đường, thôn, xóm đến khu phố đều dễ thấy màu xanh tình nguyện xen lẫn màu sắc phục áo yếm Hải quân cùng nhau thu gom rác, vận chuyển rác. Từ đầu năm đến nay, Vùng 5 đã phối hợp với địa phương dọn vệ sinh được hơn 12km bờ biển, gần 18km kênh mương, đường thôn, xóm, khu phố, thu gom hơn 3.100kg rác thải nhựa. Đoàn viên, thanh niên vừa làm vệ sinh, vừa phân loại nhựa tái chế để quy đổi được gần 17 triệu đồng phục vụ nhiều hoạt động của Đoàn. Đồng chí Huỳnh Thanh Trông, Bí thư Huyện đoàn Phú Quốc chia sẻ: “Tuổi trẻ của Vùng 5 đã rất trách nhiệm trong việc phối hợp với Đoàn địa phương để làm sạch môi trường trên đảo Ngọc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội...”.
Vùng 1 Hải quân mỗi khi triển khai các hoạt động của Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” thì tuổi trẻ đơn vị đã kết hợp với tuổi trẻ địa phương cùng làm sạch biển. Lực lượng đoàn viên, thanh niên đến dọn dẹp cảng cá, bãi biển hay trực tiếp đến các tàu vận động ngư dân khai thác hải sản bền vững, không xả thải rác xuống biển. Việc làm của Vùng 1 đã được chính quyền địa phương và bà ngư dân đánh giá cao.
Mỗi đơn vị có một mô hình hiệu quả
Đoàn cơ sở Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân, mỗi con tàu làm nhiệm vụ dài ngày trên biển đều thực hiện nghiêm việc xử lý rác thải nhựa. Tất cả những loại rác thải khó phân hủy, nguy hại thu gom, nghiền nát đưa về đất liền xử lý. Vệ sinh tàu, trên cầu cảng và mặt biển khu vực cảng được chỉ huy các cấp thường xuyên kiểm tra và làm sạch sẽ. Tuổi trẻ đơn vị cũng thi đua thực hiện tốt việc xây dựng cảnh quan môi trường "sáng, xanh, sạch, đẹp". Đến Lữ đoàn chúng tôi thấy nhiều việc làm hữu ích như: Cán bộ, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ đã sử dụng xuồng chèo tay, vợt, câu liêm, xe rác chuyên dụng... tiến hành tổng dọn vệ sinh khu vực cầu cảng, bờ kè, mặt biển… Trung sĩ Lê Tấn Thông, chiến sĩ Bệ tên lửa Tàu 016, Lữ đoàn 162 chia sẻ: “Việc dọn vệ sinh môi trường tàu, cảng, đơn vị… chính là tạo môi trường sống cho bản thân và đồng đội tốt hơn, yêu tàu hơn; hoạt động này cũng giúp cho chúng tôi hình thành nếp sống sinh hoạt sạch sẽ trong môi trường tập thể, không gian nhỏ trên tàu”.
Ngoài đảo xa, công việc của người lính đảo Song Tử Tây chung tay làm sạch biển, đảo một cách hết sức tự giác. Từ doanh trại đến công sự trận địa được mọi người dọn hai buổi/ngày. Trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, xa đất liền nên mọi chất thải ra đều được người lính đảo phân loại và tái chế. Mỗi cụm chiến đấu, phân đội có vị trí xử lý rác được xây kiên cố. Người lính đảo ví như “ngôi nhà xanh-vì môi trường” để phân loại các loại rác. Hiện nay rác hữu cơ được sử dụng làm phân bón cây, trồng rau; vỏ chai nhựa, túi nilon, vỏ lon nước… đơn vị cho vận hành máy ép rác, đóng gói, vận chuyển vào đất liền xử lý. Thượng tá Bùi Thanh Tùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết: “Chỉ huy đảo luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để tuổi trẻ phát huy tính xung kích, sáng tạo hiến kế, tham mưu giúp đơn vị triển khai công tác bảo vệ môi trường biển, đảo”.
Tàu 286-Lê Quý Đôn, Học viện Hải quân-con tàu thân thiện với môi trường. Chất thải do vận hành máy và nước sinh hoạt đều được xử lý theo quy trình khép kín xả thải ra biển theo tiêu chuẩn châu Âu. Trong các chuyến hải trình dài ngày trên biển, ngoài việc huấn luyện đi biển đường dài kết hợp đối ngoại quốc phòng, Học viện còn giáo dục cho học viên nâng cao ý thức giữ gìn môi trường biển…
Mỗi một đơn vị Hải quân đều có một mô hình, cách làm hiệu quả phù hợp với đặc thù hoạt động, địa điểm đóng quân. Ở Lữ đoàn 161, Vùng 3 Hải quân, đoàn thanh niên kết hợp với hội phụ nữ xây dựng “Câu lạc bộ môi trường” thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên tự giác tham gia.
Đánh giá về hoạt động của tuổi trẻ Hải quân chung tay làm sạch biển, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Phó chủ nhiệm Chính trị Hải quân khẳng định: “Bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và chống rác thải nhựa trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đây là việc làm thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm mọi cán bộ, chiến sĩ, trong đó tuổi trẻ Hải quân là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu”.