Đối thoại chính sách - Phụ nữ được lên tiếng

Đối thoại chính sách là hoạt động đối thoại giữa các bên liên quan nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin, kiến thức, để kết nối và hỗ trợ nhau thực hiện các nhiệm vụ, thúc đẩy vai trò trong thực thi các chính sách tại địa phương.

 Hội nghị đối thoại chính sách với hội viên, phụ nữ và Nhân dân xã Cao Kỳ (Chợ Mới).

Hội nghị đối thoại chính sách với hội viên, phụ nữ và Nhân dân xã Cao Kỳ (Chợ Mới).

Hội nghị đối thoại được tổ chức nhằm đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở và giám sát thực hiện bình đẳng giới trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hoạt động đối thoại chính sách là một nội dung quan trọng của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Dự án 8).

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố tập trung phổ biến, tuyên truyền cho người dân đồng bào vùng DTTS&MN nâng cao nhận thức thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; giám sát và phản biện xã hội; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Hội LHPN tỉnh tổ chức 25 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực cho 1.175 cán bộ Hội LHPN, cán bộ ban, ngành, đoàn thể các cấp thuộc vùng Dự án về giám sát, phản biện xã hội; đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản trong thực hiện Dự án 8.

 Hội viên phụ nữ xã Bằng Lãng (Chợ Đồn) tham gia phát biểu ý kiến.

Hội viên phụ nữ xã Bằng Lãng (Chợ Đồn) tham gia phát biểu ý kiến.

Cùng với đó, nhằm đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở và giám sát thực hiện bình đẳng giới trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào quá trình xây dựng, thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyền được giám sát phản biện các vấn đề và tham gia đề xuất các giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương với nhiều hình thức phong phú... Kết quả đã tổ chức được 177 cuộc đối thoại chính sách tại cơ sở, có 12.396 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.

 Đại biểu chia sẻ ý kiến tại Hội nghị tập huấn công tác giám sát thực hiện Dự án 8.

Đại biểu chia sẻ ý kiến tại Hội nghị tập huấn công tác giám sát thực hiện Dự án 8.

Các cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản với những chủ đề khác nhau, xoay quanh các chính sách trợ giúp xã hội, giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em... Với tinh thần dân chủ, cởi mở, tại Hội nghị đã có nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, nâng cao quyền năng kinh tế, hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc cho phụ nữ DTTS&MN.

Các ngành như Công an, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội... đã giải đáp, phân tích, làm rõ những nội dung hội viên, phụ nữ quan tâm và nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của người nghe. Các cấp Hội LHPN đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp trong việc tổ chức và triển khai các hoạt động đối thoại, đảm bảo thông tin được truyền đạt một cách đầy đủ và kịp thời. Các buổi đối thoại chính sách không chỉ giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ được lên tiếng về những vấn đề đang quan tâm mà còn giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương nắm bắt thực tiễn cuộc sống, giải đáp các thắc mắc, nguyện vọng và tuyên truyền pháp luật hiệu quả.

Hội nghị đối thoại chính sách là một chương trình thiết thực, ý nghĩa, là nơi để nhiều hội viên, phụ nữ mạnh dạn nói lên những tâm tư, suy nghĩ, những vấn đề còn băn khoăn, thắc mắc. Từ đó giúp các cấp, ngành, chính quyền địa phương và tổ chức Hội Phụ nữ nắm bắt, kịp thời giải đáp, tuyên truyền để các chị em và Nhân dân nâng cao nhận thức trong việc thực hiện. Qua đó góp phần tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Ngọc Lan (Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/doi-thoai-chinh-sach-phu-nu-duoc-len-tieng-post67514.html