Bộ đội Nam miệng nói, tay làm

Thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn, Thiếu tá Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Mô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) cùng đồng đội trực tiếp tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện thành công nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội ở các bản làng nơi biên cương, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin yêu, cảm phục.

“Tiếng máy vùng biên”

Tôi gặp Thiếu tá Trần Thanh Nam lần đầu ở bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vào cuối tháng 10-2020. Thời điểm đó, Quảng Bình vừa trải qua trận lũ lịch sử, bản Sắt bị nước lũ bủa vây tứ bề, người dân lâm vào tình cảnh thiếu lương thực, thực phẩm nhiều ngày. Cùng với đó, quả đồi phía sau là khu vực sinh sống của hơn 30 gia đình xuất hiện vết nứt có nguy cơ sạt lở, đe dọa tính mạng của hơn 150 nhân khẩu. Toàn bộ hộ dân buộc phải di dời ra khoảng đất rộng phía đối diện để dựng nhà tạm cách khá xa nơi ở cũ, khó khăn chồng chất khó khăn.

Trước hoàn cảnh đó, Đồn Biên phòng Làng Mô đã huy động tối đa quân số tập trung giúp đỡ bà con khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tổ công tác do Thiếu tá Trần Thanh Nam phụ trách được giao nhiệm vụ thường trực, bám bản 24/24 giờ. Gần hai tháng trời anh cùng đồng đội lăn lộn ở bản Sắt và các thôn, bản trên địa bàn để ứng cứu, di dời người và tài sản; vận chuyển hàng cứu trợ, lương thực, thực phẩm; kết nối các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, vận chuyển vật liệu giúp bà con dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Bí thư Chi bộ bản Sắt Hồ Văn Tuấn nhớ lại: "Chưa bao giờ người dân bản Sắt thấy lo lắng, hoang mang như vậy. Thật may mắn, bà con luôn nhận được tình cảm yêu thương, chia sẻ của đồng bào cả nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự giúp đỡ trách nhiệm, nghĩa tình của các chiến sĩ biên phòng".

 Thiếu tá Trần Thanh Nam hướng dẫn người dân bản Đá Chát sử dụng máy xát lúa.

Thiếu tá Trần Thanh Nam hướng dẫn người dân bản Đá Chát sử dụng máy xát lúa.

Trước khi giữ cương vị Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Mô, Thiếu tá Trần Thanh Nam từng nhiều năm đảm nhận chức vụ Trợ lý Thanh niên Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình. Chính vì vậy, khi lên với núi rừng biên giới Trường Sơn, anh luôn làm việc với tất cả sự nhiệt huyết, đam mê và tinh thần xung kích của tuổi trẻ.

Đến bây giờ, Thiếu tá Trần Thanh Nam vẫn nhớ như in chuyến cắt rừng vượt suối, vượt đá tai mèo khoảng 20km để đến bản Dốc Mây vào tháng 6-2020. Sau hơn nửa ngày đi bộ, vừa đến bản, anh gặp những phụ nữ Vân Kiều giã gạo dưới nếp nhà sàn. Tìm hiểu thêm anh biết, bản Dốc Mây không có điện lưới, vì vậy tất cả công đoạn từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đều được bà con tiến hành thủ công, vừa mất nhiều thời gian, công sức mà năng suất, hiệu quả thấp.

Trở về đơn vị, anh đề xuất ý tưởng triển khai mô hình "Tiếng máy vùng biên" và được đảng ủy, chỉ huy đơn vị cùng cán bộ, chiến sĩ đồng tình hưởng ứng. Để biến ý tưởng thành hiện thực, sau thời gian tìm hiểu thông tin trên internet, Thiếu tá Trần Thanh Nam đã liên hệ, đặt mua chiếc máy xát lúa chạy bằng xăng ở tận Sơn La. Khi chiếc máy xát được vận chuyển vào Quảng Bình, Nam cùng anh em đơn vị chạy thử, sử dụng thành thạo, sau đó tháo rời các bộ phận để "cõng" vào bản Dốc Mây lắp ráp, hướng dẫn, chuyển giao cho bà con sử dụng.

Từ chiếc máy xát đầu tiên tặng bản Dốc Mây, đến nay, Thiếu tá Trần Thanh Nam đã kết nối, kêu gọi các nguồn kinh phí từ những tổ chức, cá nhân hảo tâm mua mới, trao tặng bà con dân bản thêm 26 máy xát, máy cày, máy nghiền và 10 bộ lồng gặt lúa với tổng trị giá hơn 236 triệu đồng. "Việc áp dụng cơ giới vào sản xuất không chỉ giải phóng công sức, rút ngắn thời gian mà còn tạo động lực lớn để bà con hăng say lao động, góp sức xây dựng bản làng ngày thêm no ấm, bình yên", Thiếu tá Trần Thanh Nam hồ hởi chia sẻ.

Nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả

Trường Sơn là xã biên giới đặc biệt khó khăn ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Toàn xã có 1.248 hộ dân với hơn 5.200 nhân khẩu, trong đó có hơn 60% đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống rải rác ở 19 thôn, bản. Những năm qua, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, Đồn Biên phòng Làng Mô luôn đồng hành với địa phương triển khai hiệu quả nhiều hoạt động giúp dân phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, xóa đói, giảm nghèo; qua đó củng cố, phát huy tình đoàn kết quân dân keo sơn, gắn bó.

"Thành công từ mô hình "Tiếng máy vùng biên" do đơn vị triển khai thực hiện, trong đó Thiếu tá Trần Thanh Nam là hạt nhân nòng cốt đã "tiên phong mở lối" để cán bộ, chiến sĩ mạnh dạn đề xuất, thực hiện thêm nhiều mô hình, hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trên địa bàn", Trung tá Phạm Văn Hào, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết.

Khi màn đêm buông xuống trên dãy Trường Sơn cũng là lúc toàn bộ hệ thống đèn đường ở các bản làng bật sáng. Bí thư Chi bộ bản Đá Chát Hồ Xuân Trung khoe với chúng tôi: "Bản làng biên giới về đêm đèn điện soi sáng, chẳng kém là bao so với miền xuôi. Nhờ ánh sáng đèn đường mà mọi người qua lại, thăm hỏi nhau nhiều hơn, an ninh trật tự được bảo đảm, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết".

Với sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô, giờ đây, toàn bộ 19 thôn, bản đã được thắp sáng bởi hệ thống đèn đường với tổng chiều dài 16,2km, trị giá hơn 815 triệu đồng. Các bản ở trung tâm xã, đèn đường được thắp sáng bằng điện lưới; với những bản ở xa, đèn đường được lắp đặt, chiếu sáng bằng hệ thống năng lượng mặt trời. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết công trình "Ánh sáng vùng biên" đều mang dấu ấn của Thiếu tá Trần Thanh Nam với vai trò là người tham mưu, kết nối, kêu gọi hỗ trợ kinh phí, cùng đội trực tiếp lắp đặt, thi công.

Với mong muốn xóa bỏ các nhà vệ sinh tạm bợ, thay đổi tập quán lạc hậu tồn tại lâu đời, năm 2022, Thiếu tá Trần Thanh Nam trực tiếp đề xuất với chỉ huy đơn vị triển khai mô hình "Nhà vệ sinh vì cộng đồng", đồng thời xây dựng thí điểm 10 công trình vệ sinh tự hủy. Đến nay, đơn vị đã phối hợp với địa phương, các nhà hảo tâm hoàn thành thi công 45 nhà vệ sinh, trong đó có 16 công trình nhà vệ sinh kết hợp nhà tắm.

Để tiết giảm chi phí đến mức thấp nhất và tạo thuận lợi trong quá trình thi công, Thiếu tá Trần Thanh Nam đã nghiên cứu, lựa chọn thùng nhựa nguyên sinh HDPE-là vật liệu có độ bền, dẻo, chịu lực, không bị oxy hóa-để làm hầm tự hủy. Xung quanh hầm chứa chất thải được xây bằng gạch, mặt trên đặt các tấm bê tông, sau đó láng bằng xi măng nhẵn mịn. Vật liệu để dựng các công trình nhà vệ sinh được xây bằng gạch hoặc làm bằng gỗ, tôn, kẽm tùy điều kiện của từng gia đình.

Thiếu tá Trần Thanh Nam lý giải: "Đơn vị tập trung hỗ trợ bà con xây dựng hầm chứa và nền phía dưới-là phần quan trọng nhất của công trình, còn vật liệu để làm nhà vệ sinh phía trên là do từng hộ bảo đảm, có như vậy mới huy động thêm công sức của nhân dân, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong sử dụng, bảo quản, đồng thời tiết kiệm chi phí để nhân rộng các công trình có hiệu quả".

Bên cạnh các mô hình kể trên, Thiếu tá Trần Thanh Nam còn phối hợp với các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, có chiều dài 1km ở bản Cổ Tràng trị giá 75 triệu đồng; xây dựng 9 căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 450 triệu đồng; hỗ trợ 26 mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình; trao hơn 1.000 cây lấy gỗ, cây ăn quả tặng các thôn, bản và nhiều hoạt động giúp người dân thiết thực, hiệu quả khác như: "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng"; “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”; “Biên cương vui hội trăng rằm”...

Những mô hình đó không chỉ hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mà còn làm thay đổi nhận thức của bà con trong cách nghĩ, cách làm; xóa bỏ tập quán lạc hậu tồn tại bao đời nay. "Trong điều kiện nguồn lực của địa phương còn nhiều khó khăn thì sự giúp đỡ từ Đồn Biên phòng Làng Mô là đáng quý vô cùng. Đặc biệt, thông qua các mô hình đó, bà con được tiếp cận với những phương tiện sản xuất cơ giới; được hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, từng bước làm chủ quy trình sản xuất, chăn nuôi, đóng góp công sức vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Thay mặt cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tôi gửi lời cảm ơn đến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô, nhất là cá nhân Thiếu tá Trần Thanh Nam, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ đơn vị, các nhà hảo tâm trong thời gian tới", đồng chí Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn bày tỏ.

Bài và ảnh: TRẦN MINH TÚ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/bo-doi-nam-mieng-noi-tay-lam-737919