Bộ đội nấu cơm, đun nước cho bà con, bà con tặng lại con đường
'Các chú phải nhường chỗ, nhường giường, nhường chăn cho mình. Hằng ngày, cũng chính các chú đun nước uống, nước tắm cho bà con bằng bếp củi. Khổ lắm!'.
Trước khi dịch bệnh bùng lên ở Đức, chị Nguyễn Thị Lan (51 tuổi), sống ở một thành phố cách thủ đô Munich khoảng 100km cảm thấy đau nhức trong người. Chị đến bệnh viện xét nghiệm xem mình có mắc Covid-19 không thì nhận kết quả âm tính.
Đi khắp các bệnh viện ở Đức, bác sĩ không tìm ra bệnh của chị. Chị quyết định về Việt Nam khám bệnh dù biết là ngay khi đặt chân xuống sân bay, 2 mẹ con chị sẽ được đưa đi cách ly tập trung 14 ngày.
14 ngày trong khu cách ly ở doanh trại quân đội Trung đoàn Pháo binh 58 (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội), không đêm nào chị ngủ được vì đau. ‘Nhưng cứ nhìn thấy các chú bộ đội chăm sóc bà con là mình thương lắm’ - chị Lan kể.
‘Các chú phải nhường chỗ, nhường giường, nhường chăn cho mình. Hằng ngày, cũng chính các chú đun nước uống, nước tắm cho bà con bằng bếp củi. Khổ lắm!’.
Bây giờ, dù đã được về nhà nhưng cứ khi nào nhớ về 14 ngày cách ly trong doanh trại là chị Lan lại thấy xúc động và biết ơn. Chỉ kể, ngày đầu tiên vào doanh trại, mỗi người được phát một túi đồ dùng cá nhân gồm: Xà phòng, khăn mặt, bàn chải đánh răng, giấy vệ sinh…
‘Bà con được phục vụ không thiếu thứ gì mặc dù điều kiện trong đơn vị còn nhiều hạn chế’.
‘Cứ sáng sáng, 6 giờ 30 phút là bộ đội lại gọi bà con dậy ăn sáng. Các suất ăn được mang vào tận phòng. Ngày 3 lần như thế, lần nào các chú cũng hỏi han bà con có thiếu gì không, có ăn được không, ngủ được không. Khi bà con cần gì, đơn vị lại cử một người đi mua về phục vụ tận tình cho mọi người’.
Cùng đợt cách ly với chị là 298 người Việt bay về từ 23 nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc. Có nhiều người mang cả trẻ con theo, thậm chí là vài tháng tuổi cũng có. ‘Quy định trong doanh trại rất nghiêm nhưng bộ đội thì rất tình cảm và gần gũi. Cứ bước chân vào đây là mình cảm thấy rất an toàn’.
Chị Lan chia sẻ, ngay từ khi bước chân xuống sân bay, chị đã nghĩ đến việc sẽ xin phép đơn vị cho mình được trả các chi phí trong 14 ngày sinh hoạt. ‘Nhưng các chú không đồng ý. Các chú nói, các chú không được phép nhận tiền của bà con’.
Từ đó, chị Lan nảy ra ý tưởng vận động bà con trong khu cách ly cùng đóng góp để làm một con đường bê tông đi lại trong khu vực khuôn viên doanh trại.
‘Ngay từ lúc vào, mình đã thấy doanh trại có khuôn viên trồng nhiều cây rất đẹp và thoáng đãng nhưng lại trải nền đất, nhiều hôm đi lại rất lầy lội’.
Đoạn đường bê tông dài 150 mét, rộng 80cm được hoàn thành trong vòng 3-4 ngày với sức lao động của chính các anh bộ đội và sự góp sức của những người trẻ đang cách ly. Ở khu vực giữa khuôn viên, chị Lan và mọi người cũng nhất trí mua thêm vài bộ ghế giả gỗ để có chỗ ngồi ngắm cảnh.
Tổng số tiền hơn 80 triệu đồng được bà con tự nguyện đóng góp cũng được dùng để sắm sửa thêm một số trang thiết bị, trước hết là để cho bà con sử dụng, sau đó là tặng lại cho đơn vị.
‘Mọi người nhất trí mua thêm 3 bộ thiết bị tập thể dục ngoài trời, mấy chiếc ghế đá, 15 chiếc quạt, mua thêm củi để bộ đội nấu nước cho bà con. Các cháu du học sinh không có tiền thì nhiệt tình đóng góp công sức’.
Chị Lan chia sẻ rằng ‘nói mãi đơn vị mới chịu nhận món quà này’.
‘Chúng tôi muốn làm một cái gì đó để làm kỷ niệm cho đơn vị, như một lời cảm ơn của bà con kiều bào gửi tới đơn vị vì đã chăm sóc tận tình tất cả chúng tôi 14 ngày qua’.
Chị cũng hào hứng khoe rằng, trước khi về, đồng chí chỉ huy doanh trại - một người có đam mê chăm sóc hoa lan - đã tặng cho chị một bầu lan rất đẹp.
Đồng chí chỉ huy ấy là anh Bùi Quang Hiệp, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Pháo binh 58 - đơn vị đã nhận nhiệm vụ chăm sóc 2 đoàn cách ly từ khi dịch bệnh bắt đầu.
Trao đổi với PV, anh Hiệp cho biết, 298 bà con cách ly trong đợt thứ 2 ở doanh trại đã ra về từ hôm 30/3. Trước đó, đơn vị của anh đã tiếp nhận đợt cách ly đầu tiên với 355 người trở về từ Hàn Quốc.
Để có chỗ cho bà con ăn ở trong doanh trại 14 ngày, 150 chiến sĩ đã được chuyển sang một đơn vị khác cách đó 7km. Còn lại khoảng 150 người là lực lượng ở lại phục vụ các nhu cầu hằng ngày cho bà con, trong đó chia thành nhiều bộ phận đảm nhiệm các công việc khác nhau như: nấu ăn, y tế, an ninh, khử khuẩn…
‘Các chiến sĩ ở lại sẽ sinh hoạt trong những khu nhà sắp được phá bỏ. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tất cả chúng tôi đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hiện tại, anh em đang tiếp tục chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng để đón những đợt cách ly mới nếu có’.