Bộ đôi SAM - REE đi cùng thị trường chứng khoán Việt Nam 20 năm bây giờ ra sao?
Cách đây 20 năm, SAM và REE là 2 doanh nghiệp đầu tiên đưa cổ phiếu niêm yết. Từng có quy mô tương đồng, giờ đây cách biệt giữa SAM và REE đã khá lớn.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua 20 năm hình thành và phát triển. Song hành cùng với sự lớn mạnh đó không thể không nhắc đến SAM (CTCP SAM HOLDINGS), REE (CTCP Cơ Điện Lạnh), 2 cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên TTCK Việt Nam và đã đồng hành cùng 20 năm thăng trầm của thị trường.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, 2 doanh nghiệp đã dành được không ít thành tựu to lớn. Ngày đầu tiên niêm yết, số lượng cổ phiếu SAM chỉ là 12 triệu, tương ứng vốn điều lệ 120 tỷ đồng; trong khi REE cũng chỉ niêm yết 15 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
Cho đến ngày nay, quy mô vốn của REE đã lên tới 3.100 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 21 lần, trong khi vốn điều lệ SAM là 2.565 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 21 lần so với ngày mới lên sàn và đây chính là thành quả to lớn mà TTCK mang lại.
Hiện tại, thị giá của REE đạt 32.300 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 10.123 tỷ đồng, còn thị giá của SAM là 10.100 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa khoảng 2.616 tỷ đồng, bằng 1/5 vốn hóa REE.
Bên cạnh việc tăng trưởng về quy mô vốn, trong 20 năm qua, SAM và REE cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Định hướng phát triển đa ngành: REE lớn nhanh, SAM thụt lùi
Vào năm 2000 khi mới niêm yết, doanh thu REE và SAM lần lượt đạt 225 tỷ đồng và 117 tỷ đồng. Giai đoạn 2004-2008 là thời kỳ SAM lớn mạnh hơn REE về doanh thu. Tuy vậy, sau những quyết định đầu tư đa ngành, SAM đã dần sa lầy và dần thụt lùi so với REE kể từ năm 2009.
Ban đầu, REE là công ty sản xuất các sản phẩm cơ điện, điều hòa, thi công công trình. Cho đến nay, REE hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực chính như dịch vụ cơ điện công trình (M&E); sản xuất, lắp ráp và kinh doanh hệ thống điều hòa không khí thương hiệu Reetech; phát triển, quản lý bất động sản; và cơ sở hạ tầng điện & nước.
Nhóm công ty REE bao gồm: Công ty REE M&E là nhà thầu cơ điện công trình hàng đầu tại Việt Nam; Công ty Điện Máy REE chuyên kinh doanh hệ thống điều hòa không khí mang thương hiệu Reetech; Công ty REE Property là nhà quản lý các cao ốc văn phòng cho thuê phát triển bởi REE.
Công ty REE Land, VIID và SaigonRes hoạt động trong lĩnh vực phát triển các dự án bất động sản; và Cơ sở hạ tầng điện và nước với các khoản đầu tư vào các nhà máy điện và nhà máy cung cấp nước sạch.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 mới đây, ban lãnh đạo REE cho biết trong 5 năm tới, Công ty tập trung vào mảng năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nước sạch. Cụ thể, REE đặt mục tiêu vượt mốc 1.000 MW năng lượng tái tạo (hiện tại là 515 MW), công suất sản xuất nước sạch 1 triệu m3/ngày (hiện tại là 500.000 m3/ngày).
Bên cạnh đó, REE sẽ thực hiện tái cấu trúc mô hình kinh doanh mới. Hiện REE hoạt động theo mô hình Nhóm công ty với REE Corporation là công ty mẹ quản lý trực tiếp 12 công ty thành viên và 19 khoản đầu tư liên doanh liên kết. REE cho rằng mô hình này không phản ánh đầy đủ kết quả và tiềm năng sinh lời của từng mảng, dẫn đến hạn chế về huy động vốn.
Theo đó, Công ty sẽ tái cấu trúc theo mô hình Holdings. Các hoạt động kinh doanh sẽ được phân vào 4 holdings chính để quản lý riêng biệt. Các holdings sẽ do REE sở hữu 100% hoặc chiếm tỷ lệ đa số vốn.
Với định hướng đa ngành, REE khá thành công khi báo doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng theo từng năm. Gần đây nhất, cả năm 2019, REE đạt doanh thu thuần gần 4.890 tỷ đồng và ghi nhận lãi ròng 1.639 tỷ đồng.
Còn trong quý 1, REE ghi nhận 1.184 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ lại giảm 27% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 256 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, REE đã thực hiện được 20% kế hoạch doanh thu và 16% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2020.
Cũng như REE, SAM ban đầu chỉ hoạt động sản xuất dây cáp truyền thống. Kể từ năm 2009, SAM đã có quyết định đầu tư đa ngành, lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính.
Năm 2010, SAM đổi tên từ CTCP Cáp và vật liệu viễn thông thành CTCP Đầu tư và phát triển Sacom. Đây như một lời khẳng định cho hướng đi mới của SAM.
Đầu năm 2015, SAM tiếp tục “gây bão” trên thị trường với ý định mua cổ phần tại Vinamotor, một lĩnh vực không liên quan gì tới SAM. Trong khi đó, công ty cũng đang có ý định thoái vốn khỏi mảng dây cáp truyền thống. Điều này đang cho thấy SAM chưa định hình được lối đi, chiến lược cụ thể cho hoạt động kinh doanh của mình.
Kết thúc năm 2019, SAM ghi nhận 3.032 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 7% chủ yếu đến từ mảng sản xuất, kinh doanh dây và cáp viễn thông và bất động sản. Lợi nhuận trước thuế lại giảm 18% xuống 136 tỷ đồng. Với kết quả này, cả 2 chỉ tiêu kinh doanh chính đều không hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm 2019.
Năm 2020, SAM sẽ tiến hành cần tái cấu trúc hoạt động, cơ cấu lại tài sản, danh mục đầu tư hiện hữu và các hoạt động đầu tư mở rộng mới. Tương ứng với đó, công ty lên kế hoạch tổng doanh thu 3.108 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 124 tỷ đồng.
Kết thúc quý 1/2020, SAM chỉ thu 4,8 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước và cách rất xa mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2020.
Chia sẻ về kế hoạch dài hạn, SAM sẽ đầu tư phát triển hệ thống khu công nghiệp, kho, cảng. Theo nhận định thì đây là mảng kinh doanh triển vọng, trong bối cảnh Việt Nam là đất nước có dân số độ tuổi lao động cao, chi phí lao động rẻ, nhiều vùng nguyên liệu… và đặc biệt là diễn biến căng thẳng của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ xem xét di chuyển nhà máy sang nước khác ngoài Trung Quốc.
Để có dòng tiền đầu tư vào các mảng kinh doanh chiến lược này, SAM sẽ thực hiện thoái vốn tại các khoản đầu tư không tạo được lợi nhuận và không nằm trong định hướng chiến lược, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu huy động nguồn lực thực hiện dự án.
Cụ thể tiến hành mua lại toàn bộ cổ phần của Capella Quảng Nam và tăng vốn cho Capella Quảng Nam để đầu tư dự án Khu công nghiệp Tam Thăng 2. Tăng vốn cho Địa ốc Sacom để tài trợ cho dự án Bất động sản Nhơn Trạch…