Bộ đội Trường Sơn làm nên 'trận đồ bát quái' giữa đại ngàn
Bằng mưu lược, tài trí và tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, Bộ đội Trường Sơn đã làm nên con đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, một 'trận đồ bát quái' giữa đại ngàn Trường Sơn để tổ chức chi viện chiến lược cho các chiến trường.
Ngày 16/5, tại Hà Nội, Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu và hàng trăm cựu chiến binh Trường Sơn đã cùng ôn lại truyền thống anh dũng, hào hùng của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã từng chiến đấu, công tác trên Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam, cho biết: 65 năm trước, ngày 19/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bác Hồ đã chính thức thành lập và giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt”- Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho cách mạng miền Nam.
16 năm bám trụ, bằng mưu lược, tài trí và tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, Bộ đội Trường Sơn đã làm nên con đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, một "trận đồ bát quái" giữa đại ngàn Trường Sơn để tổ chức chi viện chiến lược cho các chiến trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã tin tưởng giao phó.
“Để làm nên chiến công ấy, có hơn 2 vạn đồng đội của chúng ta đã hy sinh, hơn 3,2 vạn người bị thương và hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam dioxin. Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cao quý; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nói.
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, với hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến Trường Sơn năm xưa, Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh luôn hằn sâu trong ký ức.
Đầu năm 1989, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn khu vực Hà Nội và phụ cận ra đời đã đáp ứng tình cảm của các cựu chiến binh Trường Sơn. Lần lượt nhiều Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn các địa phương và các đơn vị truyền thống đã được thành lập và hoạt động hiệu quả… Tháng 7/2011, Đại hội lần thứ nhất Hội Trường Sơn Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Hà Nội và suy tôn nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên làm Chủ tịch danh dự.
“Việc Hội truyền thống Trường Sơn ra đời là một dấu ấn lịch sử, một mốc son ghi nhận sự đánh giá của Đảng, Nhà nước đối với lịch sử Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây còn là cơ hội để cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn năm xưa và cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 hôm nay, tiếp tục phát huy truyền thống của Trường Sơn Anh hùng trong cuộc sống mới”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam cho biết thêm, sau gần 12 năm thành lập, đến nay, Hội truyền thống Trường Sơn đã có 88 tổ chức thành viên và hơn 31 vạn hội viên cá nhân. Hệ thống tổ chức của Hội được thành lập ở 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Từ năm 2013 đến nay, Hội đã mở cuộc vận động “Hội viên Trường Sơn làm kinh tế giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống”. Đồng thời, Hội vận động các nguồn lực xã hội với tổng trị giá hơn 300 tỷ đồng để tri ân, giúp đỡ hội viên.
Hội đã hỗ trợ xây dựng và nâng cấp hơn 2.600 căn nhà cho hội viên; tặng gần 4.400 sổ tiết kiệm, suất học bổng cho hội viên và con em, hỗ trợ tiền mổ cho 226 ca bệnh nặng, trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho 215 người và tặng gần hơn 141 nghìn suất quà bằng tiền mặt và phương tiện, đồ dùng sinh hoạt gia đình…
Tại lễ kỷ niệm, Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã trao kinh phí hỗ trợ xây dựng 7 căn nhà đồng đội cho các hội viên Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, tổ chức trao thưởng các tác giả có tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi viết “Chiến sĩ Trường Sơn Anh hùng năm xưa và trong cuộc sống hôm nay”.
Hội Trường Sơn Việt Nam đã phối hợp với Binh đoàn 12 tiến hành khảo sát, xây dựng hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận 46 Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia đặc biệt tại 11 tỉnh Đông Trường Sơn từ Nghệ An vào Bình Phước. Qua đó nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử Đường Hồ Chí Minh huyền thoại cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.