Bờ Đông thành phố chuyển mình
TP Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM. Sau thời gian đầu vận hành trong 'chiếc áo chật', với Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, TP Thủ Đức đã áp dụng linh hoạt và bước đầu có kết quả đáng trân trọng.
Tổ chức lại bộ máy chính quyền
Trong các kỳ họp, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp nhiều lần nhấn mạnh, Nghị quyết 98 không phải là “cây đũa thần” giúp TP Thủ Đức phát triển vượt bậc ngay lập tức, song đó là cơ chế, chính sách vượt trội và TP Thủ Đức đã bám sát, áp dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để tạo sức bật cho mình.
Trong đó, nhận diện những hạn chế còn gặp phải sau gần 3 năm thành lập, TP Thủ Đức đã chủ động cải thiện nội tại của bộ máy chính quyền. Cụ thể, đã nhanh chóng thành lập một số trung tâm, phòng, ban trực thuộc; tổ chức lại các phòng, ban để phát huy cao nhất chức năng, nhiệm vụ. Đến nay, tổ chức hành chính ở TP Thủ Đức có 16 phòng, ban chuyên môn, trong đó có 8 cơ quan chuyên môn được giữ nguyên, 5 cơ quan chuyên môn được đổi tên, 2 cơ quan mới được thành lập là Phòng Giao thông Công chính và Trung tâm Hành chính công.
Ở khối đơn vị sự nghiệp công lập, TP Thủ Đức đã thí điểm thành lập Trung tâm An sinh xã hội, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư. Ngoài ra, TP Thủ Đức đã sáp nhập Trung tâm Văn hóa với Trung tâm Thể dục thể thao thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng chia sẻ, việc hoàn chỉnh bộ máy chính quyền TP Thủ Đức với mục tiêu cao nhất là thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân. Người đứng đầu chính quyền TP Thủ Đức khẳng định mọi hoạt động của TP Thủ Đức đều xoay quanh mục tiêu xây dựng TP Thủ Đức văn minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt. “Cán bộ, công chức TP Thủ Đức không ngại khó, luôn đổi mới sáng tạo với quyết tâm cao nhất để thực hiện nhiệm vụ của một “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước”, ông Hoàng Tùng bày tỏ.
Hàng loạt hạ tầng được đầu tư, xây dựng
Sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền TP Thủ Đức đã từng bước mang lại hiệu quả và được người dân ghi nhận. Ông Nguyễn Ngọc Quang (ngụ khu phố 2, phường Phú Hữu) nhận xét, kể từ khi thành lập, đến nay người dân mới cảm nhận được sự sôi động thực sự của TP Thủ Đức trong phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội. Ông Quang cũng như hơn 1 triệu người dân ở TP Thủ Đức mong mỏi những công trình này sớm được đưa vào sử dụng, giúp người dân đi lại thuận lợi, góp thêm đòn bẩy để TP Thủ Đức bật xa.
Trong đó, TP Thủ Đức đã khởi động lại dự án cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Long Đại sau hơn 5 năm “đắp chiếu” vì vướng mặt bằng. Đến nay, cầu Long Đại nối liền phường Long Bình và Long Phước đã thông xe. Cũng trong năm 2023, nút giao thông An Phú trên địa bàn TP Thủ Đức được khởi công xây dựng và đang được các nhà thầu tất bật tổ chức thi công, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ (dự kiến hoàn thành vào 30-4-2025). Đặc biệt, dự án đường Vành đai 3 TPHCM với hơn 15km đi qua địa bàn TP Thủ Đức đã cơ bản bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Cùng với đó, một số dự án lớn từ nguồn vốn UBND TPHCM giao cho TP Thủ Đức để triển khai là Dự án 2 đoạn thuộc đường Lã Xuân Oai và Dự án Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy cũng được TP Thủ Đức hoàn thiện các quy trình để giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án trên góp phần giúp giải ngân đầu tư công năm 2023 của TP Thủ Đức đảm bảo nhiệm vụ do UBND TPHCM giao.
Nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê trên địa bàn TP Thủ Đức đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Đầu năm 2024, TP Thủ Đức bắt đầu khởi công 22 dự án trường học với tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung Công trình cải tạo, vận hành Công viên bờ sông Sài Gòn, thuộc phường Thủ Thiêm (đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm sông Sài Gòn). Ngoài không gian cây xanh với cánh đồng hoa hướng dương, tại đây, TP Thủ Đức còn bố trí không gian tổ chức các hoạt động công cộng khác với các quảng trường, bến tàu, cầu đi bộ, công viên đá… để thu hút người dân và du khách.
Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, đây là những dự án quan trọng, là tiền đề giúp bộ mặt TP Thủ Đức thực sự thay đổi, cải thiện rất lớn việc đi lại cũng như chỗ ở của người dân vào năm tới.
TP Thủ Đức cũng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất các danh mục dự án cụ thể kiến nghị UBND TPHCM ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác (ODA, PPP); đồng thời tập trung khai thác các quỹ đất dọc các trục giao thông mới trên địa bàn để chỉnh trang và phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Để đẩy mạnh hơn nữa các công trình, đề án triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, nhằm thay đổi mạnh mẽ từ thành phố đến cơ sở, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức đã phát động phong trào 500 ngày thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Giai đoạn đầu, TP Thủ Đức đã tiếp nhận gần 370 công trình, đề án ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nhiều đề án, công trình lớn được đăng ký triển khai như: phấn đấu xây dựng 5.000 căn nhà ở xã hội; khởi công Khu đô thị Trung tâm Trường Thọ và Trung tâm Hành chính TP Thủ Đức; khởi công Khu đô thị Y tế, Thể dục thể thao Rạch Chiếc…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-dong-thanh-pho-chuyen-minh-post725813.html