Bộ GD&ĐT biên soạn thêm bộ SGK: Chuyên gia giáo dục nói gì?
Nhiều chuyên gia lo lắng, việc Bộ GD&ĐT đứng ra làm một bộ SGK 'quốc doanh' lúc này vừa không cần thiết, sẽ gây lãng phí.
Có gây lãng phí?
Theo dự kiến chương trình phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào ngày 14/8, UBTVQH sẽ tiến hành phiên giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT). Việc biên soạn, thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới... là nội dung thu hút sự quan tâm.
Được biết, thời gian gần đây, dư luận, những nhà làm giáo dục đặc biệt quan tâm đến ý kiến từ Đoàn giám sát của Quốc hội khi làm việc với Chính phủ liên quan việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK).
Bàn về việc Bộ GD&ĐT có nên biên soạn một bộ SGK, bà Ma Thị Chuyên- Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở dân tộc bán trú Hoàng Trĩ (Ba Bể, Bắc Kạn) cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, SGK GDPT. Một trong những đổi mới căn bản là xã hội hóa việc biên soạn SGK, có nhiều SGK cho mỗi môn học.
Theo bà Chuyên, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, trước hết, học sinh sẽ được học bộ sách phù hợp nhất. Giáo viên có nhiểu sách để tham khảo và chọn được những nội dung giảng dạy phù hợp với học sinh của mình.
Cán bộ quản lý cũng đổi mới được công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Việc đổi mới nội dung, cách thức kiểm tra, thi cử theo yêu cầu của Chương trình GDPT, không phụ thuộc vào một bộ SGK như trước đây cũng sẽ tạo điều kiện chấm dứt tình trạng sao chép một cách sáo rỗng, học thuộc những điều hữu hạn trong một quyển sách.
Việc xuất bản nhiều bộ SGK xã hội hóa không những không gây lãng phí mà còn giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm được ít nhất 400 tỉ đồng để biên soạn SGK.
Việc có nhiều bộ SGK cũng không gây khó khăn cho những HS chuyển trường, chuyển vùng vì số HS chuyển trường, chuyển vùng là rất nhỏ (qua khảo sát nhiều đơn vị trường học từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023 có nhiều đơn vị không có học sinh nào chuyển trường, chuyển vùng). Hơn nữa, toàn bộ SGK đều viết theo khung chương trình nên học sinh chuyển trường, chuyển vùng không phải học lại. Nếu chưa kịp có SGK mới, các em có thể mượn sách ở thư viện nhà trường để học.
Bà Chuyên phân tích, trong bối cảnh Chương trình GDPT đang được triển khai có kết quả thì xuất hiện một số ý kiến tại Hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông diễn ra mới đây đề nghị "Nhà nước nên đầu tư để có bộ SGK chuẩn cho học sinh". Đó là ý kiến thực sự không phù hợp.
Trước hết, theo tinh thần của Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội thì không có bộ SGK nào là “chuẩn” hay “chuẩn hơn” so với các bộ SGK khác. Giả sử Bộ GD&ĐT có tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ thì theo Nghị quyết 88, “Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.
“Giả sử coi bộ SGK của Bộ là “chuẩn” thì chẳng lẽ các bộ SGK còn lại, đã được thẩm định, phê duyệt không “chuẩn” hay sao? Tất cả các bộ SGK đều phải đáp ứng chuẩn của Chương trình GDPT nhưng cách thể hiện đa dạng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của “người tiêu dùng” (giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, địa phương và xã hội nói chung). Như vậy mới đúng tinh thần xã hội hóa”, bà Chuyên chia sẻ.
Theo bà Chuyên, thực tế trỉen khai chương trình, SGK mới thời gian qua cho thấy đã có 6 nhà xuất bản, nhiều nhà sách tư nhân tham gia làm SGK; toàn bộ SGK được thẩm định, phê duyệt và cung ứng đầy đủ, kịp thời cho các trường. Bộ GD&ĐT đứng ra làm một bộ SGK “quốc doanh” lúc này vừa không cần thiết, vừa gây lãng phí (khoảng 400 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước).
Đồng thời, việc chọn SGK đã ổn định, nếu Bộ lại đưa ra một bộ SGK mới thì sẽ rất rắc rối. Giáo viên phải đi tập huấn lại, học sinh phải mua sách khác, không dùng lại được sách mà anh, chị của các em đã học.
“Nó sẽ “khai tử” các bộ sách giáo khoa đã phát hành từ năm học 2020-2021 đến nay, khiến hàng nghìn tỷ đồng mà các đơn vị làm SGK xã hội hóa đã bỏ ra và hàng nghìn tỷ đồng phụ huynh học sinh mua sách cho con trở nên phí phạm. Không những thế, nó là chỉ dấu về một môi trường đầu tư thiếu ổn định, làm nản lòng các nhà đầu tư trong cả những lĩnh vực khác.
Thiếu khả thi?
Cùng nêu quan điểm về vấn đề nên hay không nên Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn một bộ SGK, nhà văn Chu Thị Thơm cho hay, đến thời điểm này, năm thứ tư thầy trò toàn quốc đã đi sắp hết lộ trình của công cuộc đổi mới chương trình, SGK GDPT. Ba bộ sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt được biên soạn ngay từ năm học 2020-2021 (Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống) đã đi vào thực tiễn giảng dạy và học tập của thầy trò tại các cơ sở giáo dục.
Ngoài những “hạt sạn” ít nhiều trong các bộ sách thời gian đầu mà các tác giả đã cầu thị, tiếp thu, sửa chữa, các bộ SGK đã đem lại hiệu ứng tích cực, được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Theo nhà văn Chu Thị Thơm, hầu như tất cả các các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo giỏi, có năng lực, am hiểu sâu sắc về giáo dục phổ thông đã tham gia biên soạn các bộ sách. Nếu tiền đề để có những cuốn SGK, bộ SGK chất lượng, thì nhìn vào đội ngũ biên soạn. Trong đó, có các chủ biên và Tổng chủ biên tham gia biên soạn chương trình đổi mới chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm.
“Hầu như tất cả các các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo giỏi, có năng lực, am hiểu sâu sắc về giáo dục phổ thông đầu ngành trong toàn quốc đã tham gia biên soạn các bộ sách”, nhà văn Chu Thị Thơm cho hay.
Bà đặt giả thiết, giả sử Bộ biên soạn thêm bộ SGK của Bộ, điều gì sẽ xảy ra? Bộ GD&ĐT sẽ chọn lại các Tổng chủ biên, chủ biên và các tác giả SGK viết lại các bộ sách? Hay chọn các cuốn SGK trong các bộ sách mà Bộ cho rằng tốt nhất, mang về “nhà”, để tập hợp thành bộ sách hoàn hảo?
“Cả hai phương án này đều không khả thi, không thuyết phục... Bản chất vẫn là bình mới, rượu cũ. Việc làm này mặc nhiên phávỡ sự ổn định của tiến trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Trong khi đó, các bộ SGK đã được Bộ phê duyệt, đang được thực hiện tương đối tốt ở các cơ sở giáo dục”, bà Thơm nói.
Thêm vào đó, theo nữ nhà văn, kinh phí để biên soạn một bộ SGK là gần 400 tỷ đồng. Nếu Bộ không biên soạn thêm một bộ sách, số tiền không nhỏ ấy sẽ xây dựng được rất nhiều trường học, nhiều con đường, cây cầu cho trẻ vùng khó, giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn của thầy và trò,… Số tiền ấy mở ra hy vọng và thay đổi số phận của hàng ngàn, hàng vạn người kém may mắn.
Trên thực tế, chính sách giáo dục, đời sống giáo viên, đổi mới chương trình, thay SGK,... đi liền với nhau, không thể tách rời. Áp lực về cảnh ngộ, về đời sống, về cá nhân,... không áp lực bằng việc các thầy cô cống hiến trong ngành, mà hoang mang không biết việc mình đang làm có ổn định không, có phải làm lại không, trong khi chế độ đãi ngộ cho giáo viên ở mức không cao.
Do đó, bà cho rằng, Thông tư, Nghị định, Nghị quyết, chính sách nào cũng phải được xuất phát từ thực tiễn, vì con người, vì sự bình ổn xã hội. Đặc biệt, phải mang tính nhân văn. Điều ấy càng cần đối với ngành giáo dục hơn bao giờ hết.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Vũ Nho - nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng không nên làm một việc vừa tốn kém, phiền phức, vừa bất khả thi.
Ông Nho cho rằng, việc triển khai biên soạn sách giáo khoa theo tinh thần xã hội hóa, không sử dụng ngân sách của Nhà nước đã được thực hiện khá suôn sẻ. Đến thời điểm hiện tại đã có 3 đơn vị biên soạn đầy đủ các môn học từ lớp 1 cho đến lớp 12. Do đó, ông cho rằng, yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK vào lúc này là đi ngược lại Nghị quyết 122 của Quốc hội khóa XIV ban hành.
Đồng thời, không phù hợp với thực tế và dễ dẫn đến hậu quả to lớn là xóa bỏ xã hội hóa, tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng, quay trở lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực SGK.