Bộ GD-ĐT chính thức chốt phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020
Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã thông tin chi tiết về kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hôm qua, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án thi THPT năm 2020 khi học sinh cả nước phải kéo dài thời gian nghỉ học vì dịch Covid -19. Trong đó, có nhiều điểm đáng lưu ý mà học sinh lớp 12 cần nắm rõ cho kỳ thi sắp tới.
1. Thời gian thi
Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh thời gian thi THPT Quốc gia năm 2020 dựa theo những thay đổi kế hoạch năm học 2019-2020. Theo đó, nếu học sinh toàn quốc trở lại trường trước 15/6 thì vẫn đảm bảo kỳ thi được tổ chức. Thời gian diễn ra kỳ thi là vào tháng 8/2020, dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày với 3 buổi thi.
2. Mục đích của kỳ thi
Theo phương án mới nhất mà Bộ GD&ĐT vừa trình lên Chính phủ thì kỳ thi năm 2020 được diễn ra với mục đích chính là xét tốt nghiệp. Trong trường hợp này thì kỳ thi năm nay sẽ được đổi tên là "kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020" thay vì "thi THPT quốc gia."
Kết quả của kỳ thi này có thể được các trường Đại học, Cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Như vậy, các trường ĐH, Cao đẳng năm vậy sẽ được tự chủ trong việc tuyển sinh và có thể tổ chức kỳ thi riêng cho phù hợp với chất lượng đào tạo.
3. Lưu ý về đề thi
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ra đề thi thống nhất trong toàn quốc (1 đề chính, 1 đề dự phòng); với các môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có 1 mã đề thi riêng; đảm bảo chất lượng kỳ thi và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH. Thí sinh GDTX phải thi 2 bài thi bắt buộc toán, ngữ văn và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.
Các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội chỉ có 1 đầu điểm chung thay vì điểm thành phần như các năm về trước vì tính chất của kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.
Đề thi năm nay sẽ theo nguyên tắc "Học gì thi nấy, giảm độ khó, độ phân hóa" để đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo, bảo đảm phân luồng trong định hướng giáo dục nghề nghiệp, có tính đến việc giảm tải nội dung (giảm độ khó, độ phân hóa của đề thi) cho phù hợp với hoàn cảnh của giáo dục trong điều kiện đất nước phải phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 đã được Bộ GD-ĐT công bố; nội dung đề thi sẽ dễ hơn. Việc sử dụng các bài thi bắt buộc và các bài thi tổ hợp tự chọn KHTN và KHXH hướng đến đánh giá toàn diện học sinh, hạn chế việc học lệch và học tủ.
4. Công tác tổ chức thi
UBND các tỉnh, thành phố sẽ được giao chủ trì tổ chức kỳ thi cho học sinh của từng địa phương. Hội đồng thi của các tỉnh thành sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Việc tổ chức coi thi cũng do các địa phương tự quyết định. Không có sự tham gia coi thi của cán bộ, giảng viên các trường ĐH nhưng có thể đảo giáo viên coi thi ở các trường trong địa phương đó.
Các môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình giám sát chặt chẽ (bản chất là chấm tập trung trong toàn quốc). Các địa phương tổ chức chấm các bài thi tự luận như những năm trước.
Để tránh tiêu cực, Bộ GD-ĐT tiếp tục xây dựng những giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chất lương, tính trung thực của kỳ thi như thực hiện mỗi thí sinh một mã đề riêng; áp dụng thiết bị giám sát và công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ; tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu coi thi và chấm thi.
Đặc biệt, năm nay các tỉnh sẽ phải công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử để Bộ GD-ĐT lấy đó làm căn cứ đối chiếu với kết quả bài thi.
5. Về tuyển sinh vào các trường Đại học - Cao đẳng
Năm nay, các trường Đại học - Cao đẳng sẽ được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Các trường có thể lên phương án tuyển sinh phù hợp với tình hình của mỗi cơ sở để đảm bảo được chất lượng sinh viên đầu vào.