Bộ GD-ĐT: Có kết quả chấm thi mới xác định rõ được độ khó của đề thi
Ngày 1-7, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã báo cáo về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 – kỳ thi đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng
Dư luận còn nhiều ý kiến trái chiều về độ khó của đề thi, đặc biệt là đối với các môn Toán và Tiếng Anh. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, “chỉ khi có kết quả chấm thi mới có thể đánh giá rõ ràng mức độ khó dễ của đề”.
Đề thi thử nghiệm diện rộng, bảo đảm tính phân hóa
Theo Bộ GD-ĐT, cấu trúc định dạng đề thi đã được công bố từ cuối năm 2023 và tổ chức thử nghiệm trên khoảng 12.000 học sinh tại nhiều địa phương, kể cả vùng khó khăn. Đề thi xây dựng theo hướng phát triển năng lực, tránh học tủ, học lệch và bảo đảm độ phân hóa để phục vụ xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học nhưng bảo đảm không vượt quá yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Việc Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc, định dạng đề thi và đề thi tham khảo từ sớm giúp cho nhà trường và học sinh chủ động trong việc dạy và học, trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ và chuẩn bị tốt hệ thống hóa kiến thức cho kỳ thi cuối cấp.
Kết quả thử nghiệm đã được phân tích kỹ lưỡng bằng lý thuyết khảo thí hiện đại và là một trong những căn cứ quan trọng để hội đồng ra đề thi tham khảo cho việc xác định mức độ của đề thi, bảo đảm độ phân hóa và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, các nhà trường được yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường các hoạt động thực hành, trải nghiệm, thảo luận nhóm để học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức và rèn luyện kỹ năng.
Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra và đánh giá thường xuyên, không sử dụng hoàn toàn ngữ liệu có sẵn trong sách giáo khoa. Thay vào đó, giáo viên xây dựng các ngữ liệu mới, đa dạng và phong phú từ nhiều nguồn khác nhau, giúp học sinh làm quen với việc xử lý thông tin mới, phát triển tư duy linh hoạt và tránh học tủ, học vẹt.
Công tác ôn tập cũng phải khoa học, tập trung vào các chủ đề cốt lõi, luyện tập giải quyết tình huống thực tế và khuyến khích học sinh tìm tòi, mở rộng kiến thức từ nhiều nguồn tài liệu đa dạng.
Gia tăng các các câu hỏi để phân hóa thí sinh
Theo Thứ trưởng, đề thi năm nay gia tăng số lượng câu hỏi có tính phân hóa cao – một thay đổi nhằm khắc phục tình trạng đề thi các năm trước chưa đủ khả năng phân loại thí sinh, dẫn đến nhiều trường đại học phải tổ chức kỳ thi riêng, gây tốn kém và lãng phí cho nguồn lực xã hội. Nội dung đề thi thuộc Chương trình GDPT 2018, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Tỷ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu: bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền.
“Việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đối với môn Toán và Tiếng Anh có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng được”, Thứ trưởng nói.
Theo ông, để đáp ứng yêu cầu cũng như các thách thức đề ra đối với công tác đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (kỳ thi đặc biệt, lần đầu tiên học sinh thi theo Chương trình GDPT 2018), đề thi đã có nhiều sự điều chỉnh. Dù định dạng đề thi và định hướng điều chỉnh công tác ra đề thi đã được công bố từ năm 2023 nhưng do cấu trúc định dạng đề thi mới nên khó tránh khỏi tình trạng giáo viên và học sinh bỡ ngỡ với đề thi năm nay.
Trong những ngày tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học. Bộ GD-ĐT cũng sẽ thực hiện phân tích kết quả thi của các thí sinh để có cơ sở đánh giá về chất lượng của đề thi, kỳ thi, công tác dạy học trên phạm vi toàn quốc.
Cùng với đó, thực hiện phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi để phục vụ công tác đánh giá kết quả thi của các môn thi. Đây là một trong những yêu cầu mới đối với công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Ngoài việc bảo đảm công bằng trong công tác tuyển sinh, đối với việc dạy và học ở địa phương, điểm hiệu chỉnh cho phép đánh giá khách quan mức độ tiến bộ của từng môn khi so sánh điểm trung bình thi tốt nghiệp các môn khác nhau trong cùng địa phương.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục, tăng cường chỉ đạo đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá quá trình học của học sinh bao gồm cả kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ theo hướng tích hợp liên môn và gắn với thực tế, giúp học sinh tiếp tục làm quen với việc đánh giá theo định hướng năng lực.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để bảm đảm cho việc công bố kết quả thi vào hồi 8 giờ ngày 16-7.
Song song đó, các địa phương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá quá trình dạy, học tại các nhà trường.
Bộ GD-ĐT đề nghị báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về những đổi mới trong công tác đề thi vì mục tiêu “học thật, thi thật"; tránh những phân tích, bình luận theo hướng quy chụp, cảm tỉnh về độ khó của đề thi khi điểm thi và phổ điểm chưa công bố hoặc tác động xét tuyển chưa rõ ràng.