Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn khối ngành Sức khỏe

Hôm nay, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm sàn khối ngành Sức khỏe và khối ngành đào tạo giáo viên (Sư phạm). Đồng thời, một điểm mới đáng chú ý là Bộ cũng sẽ công bố điểm chênh lệch giữa các tổ hợp xét tuyển theo phương pháp bách phân vị.

Đảm bảo công bằng bằng phương pháp bách phân vị

Ông Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, điểm trúng tuyển năm nay sẽ có sự khác biệt lớn so với mọi năm: điểm trúng tuyển sẽ được quy đổi giữa các tổ hợp để đảm bảo công bằng. Theo đó, một ngành đào tạo có thể xét tuyển bằng 2 hoặc 3 tổ hợp khác nhau, và điểm chênh lệch giữa các tổ hợp này sẽ được điều chỉnh dựa trên điểm bách phân vị – một khái niệm thống kê chỉ vị trí của một giá trị cụ thể trong tập dữ liệu.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm bách phân vị của 5 tổ hợp truyền thống (A00, A01, B00, C00, D01), dựa trên dữ liệu điểm thi của khoảng 1 triệu thí sinh. Thông tin này dự kiến được công bố cùng với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành sư phạm và khối ngành khoa học sức khỏe.

Ông Thảo khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra nguyên tắc chung, còn các trường đại học sẽ dựa vào nguồn tuyển của mình để công bố cụ thể. Nếu trường nào không công bố thì phải giải trình rõ lý do.

"Quy tắc xét tuyển của năm nay là không phân biệt theo phương thức, không phân biệt theo các tổ hợp. Mỗi ngành chỉ có 1 chỉ tiêu. Nếu nhà trường chỉ dùng 1 tổ hợp thì không vấn đề gì. Còn đã dùng nhiều tổ hợp thì phải giải thích được vì sao không có sự chênh lệch về điểm của các tổ hợp dù Bộ GD&ĐT đã đưa ra khuyến cáo", ông Thảo nhấn mạnh.

Hiệu chỉnh kỹ thuật để tối ưu hóa công bằng

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) lý giải về việc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển.

Theo ông Hà, khái niệm này nghe phức tạp nhưng thực chất là bước hiệu chỉnh kỹ thuật sử dụng lý thuyết khảo thí, nhằm bảo đảm công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển cũng như giữa các phương thức tuyển sinh khác nhau.

Phụ huynh và học sinh tìm hiểu về cách thức đăng ký xét tuyển tại một gian tư vấn trong Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025.

Phụ huynh và học sinh tìm hiểu về cách thức đăng ký xét tuyển tại một gian tư vấn trong Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025.

Việc sử dụng trực tiếp điểm thô của các môn có thể không công bằng nếu độ khó đề thi giữa các môn có sự khác biệt lớn. Ông Hà dẫn ví dụ, một học sinh đạt 6 điểm môn A (có điểm trung bình 5) rõ ràng phải được đánh giá cao hơn học sinh đạt 6 điểm môn B (có điểm trung bình 7), nhưng nếu chỉ cộng điểm thô sẽ không thể hiện được sự khác biệt này.

Vì vậy, cần sử dụng lý thuyết khảo thí để xác định bao nhiêu điểm của tổ hợp này thì "tương đương" với bao nhiêu điểm của tổ hợp kia ở ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển.

Năm nay, Bộ GD&ĐT cũng triển khai việc quy đổi điểm thi giữa các phương thức tuyển sinh khác nhau, chẳng hạn giữa điểm thi đánh giá năng lực và điểm thi tốt nghiệp THPT tại ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển.

Ông Hà giải thích thêm, trong lý thuyết khảo thí, các phương pháp như Z-score, T-score, điểm bách phân vị thường được sử dụng để chuẩn hóa điểm số, giúp so sánh một cách công bằng và nhất quán hơn. Tuy nhiên, việc quy đổi điểm thô ra các loại điểm này với mục đích tuyển sinh có thể gây khó hiểu cho xã hội.

Do đó, Bộ GD&ĐT chỉ sử dụng ở bước trung gian để bảo đảm công bằng, còn kết quả cuối cùng vẫn sẽ trả về tổng điểm thô của mỗi tổ hợp tại ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển.

Tối ưu hóa cơ hội và nâng tầm quản lý giáo dục

Ông Nguyễn Ngọc Hà khẳng định thí sinh không phải tự quy đổi điểm, mà chỉ cần đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Việc hiệu chỉnh sẽ được Bộ GD&ĐT và các trường đại học thực hiện theo hướng dẫn cụ thể trong Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT.

Việc công bố độ chênh lệch giữa các tổ hợp sẽ là nguồn tham khảo quan trọng giúp thí sinh lựa chọn tổ hợp có lợi nhất, đặc biệt với những em có điểm số chỉ ở mức trung bình ở một số môn nhưng vẫn có thể tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển nhờ cách lựa chọn tổ hợp phù hợp.

Cũng theo ông Hà, việc quy đổi điểm còn có ý nghĩa lớn trong công tác quản lý và đánh giá chất lượng giáo dục, cho phép so sánh chất lượng dạy và học giữa các địa phương, các môn học một cách khách quan.

Việc quy đổi hay hiệu chỉnh điểm không làm phức tạp thêm kỳ thi, trái lại, là bước đi tất yếu nhằm bảo đảm công bằng trong tuyển sinh và quản lý giáo dục. Cách tiếp cận này giúp Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên tính minh bạch của điểm số, đồng thời phản ánh đúng hơn năng lực thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học tuyển được thí sinh phù hợp và giúp học sinh yên tâm chọn môn học yêu thích, đúng sở trường, không lo đề thi tốt nghiệp khó hay dễ ảnh hưởng đến cơ hội xét tuyển sau này.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-gddt-cong-bo-diem-san-khoi-nganh-suc-khoe-169250721214336256.htm