Bộ GD-ĐT đề nghị Hà Nội thí điểm chính sách mới phát triển giáo dục

Sáng 8-3, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Thường trực Thành ủy Hà Nội có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về lộ trình cho học sinh trở lại học trực tiếp tại trường và tình hình công tác GD-ĐT của TP Hà Nội năm 2022, những năm tiếp theo.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, toàn thành phố hiện có 2.835 trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục với 2.206.906 học sinh và 138.090 giáo viên. Với tinh thần "tạm dừng đến trường, không dừng việc học", ngành giáo dục thủ đô đã kịp thời triển khai việc dạy học trên truyền hình, trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến giúp hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh không bị gián đoạn.

Năm học 2021, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số học sinh đoạt giải quốc gia và quốc tế. Hiện thành phố có 22 trường chất lượng cao, trong đó có 16 trường công lập; tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 63,9% (1.791/2.802). Về lộ trình đưa học sinh đến trường học trực tiếp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay việc đưa học sinh trở lại trường được thực hiện theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh. Chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1 và 2.

Tính đến ngày 6-3, học sinh tiểu học và lớp 6 của Hà Nội tiếp tục thực hiện dạy và học trực tuyến; số học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 đến trường học trực tiếp chiếm 46,07%; số học sinh THPT học trực tiếp chiếm 58,45%. Khó khăn của Hà Nội hiện nay là do tác động của dịch bệnh, một số cơ sở giáo dục mầm non giải thể hoặc có nguy cơ giải thể; nhiều giáo viên, nhân viên mầm non bỏ nghề, chuyển nghề do thu nhập quá thấp dẫn đến nguy cơ thiếu giáo viên, nhân viên khi trẻ được đi học trở lại.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định bộ sẽ tập trung rà soát các chính sách để mở đường cho GD-ĐT cả nước, trong đó có TP Hà Nội phát triển. "Đề nghị Hà Nội mạnh dạn thí điểm một số chủ trương, chính sách mới để phát triển GD-ĐT, như hợp tác công tư, tổ chức trường liên cấp, huy động giáo viên, giải pháp kiến trúc, không gian trường học... Bộ sẵn sàng cử lãnh đạo tham gia tổ công tác phối hợp với thành phố để triển khai thực hiện" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề xuất. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng bày tỏ mong muốn thành phố dành không gian phát triển xứng đáng cho hệ thống các trường đại học trên địa bàn.

Y.Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-gd-dt-de-nghi-ha-noi-thi-diem-chinh-sach-moi-phat-trien-giao-duc-20220308204512774.htm