Bộ GD&ĐT: Đề thi tốt nghiệp THPT không vượt quá chương trình
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 phải đảm bảo đồng thời 3 mục tiêu, do đó một trong những thách thức rất lớn là công tác ra đề thi.
Ngày 1-7, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã nhận được sự quan tâm, phối hợp hỗ trợ của rất nhiều đơn vị, cơ quan, tất cả đều vì ngành giáo dục, vì học sinh, vì sự an toàn và nghiêm túc của kỳ thi.
"Đây là kỳ thi với quy mô rất lớn, công tác chuẩn bị rất lâu, cần nhiều sự phối hợp. Kỳ thi đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, tạo được không khí vui tươi", ông Thưởng nói.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đề thi tốt nghiệp THPT không dài, không vượt chương trình
Theo Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng, tinh thần chung của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là bám sát chương trình giáo dục phổ thông và yêu cầu đổi mới. Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo tổng kết một cách toàn diện về kỳ thi vào tháng 10-2025, sau khai giảng năm học mới.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phải đảm bảo 3 mục tiêu: (1) Xét tốt nghiệp THPT; (2) Đánh giá kết quả dạy - học thường xuyên và công tác quản lý ở cấp phổ thông để làm căn cứ hoàn thiện chính sách; (3) Xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Do đó, một trong những thách thức rất lớn là công tác ra đề thi. Đề phải đảm bảo đáp ứng 3 mục tiêu trên.
Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 chiếm 50% căn cứ để xét tốt nghiệp (giảm so với trọng số 70% của các năm trước).
"Vì vậy, áp lực của kỳ thi đã giảm, nhưng độ phân hóa đã tăng lên, đảm bảo các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển vào trường mình", ông Thưởng cho hay.

Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: TRẦN HIỆP
Liên quan đến những ý kiến, nhận định về độ khó của đề thi môn Toán và tiếng Anh, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định luôn cập nhật thông tin phản ánh từ dư luận xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông.
"Đề thi của các môn đều được xây dựng theo đúng hướng dẫn và quy định của Bộ GD&ĐT. Đề thi phù hợp với khung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Mức khó - dễ của đề thi cần được đánh giá toàn diện, chờ kết quả chấm thi sẽ rõ ràng, khách quan hơn.", ông Thưởng nói.
Theo đó, đề thi các môn có số trang, cỡ chữ đúng quy định, nội dung đảm bảo định hướng không chỉ kiểm tra kiến thức thuần túy mà còn kiểm tra năng lực của học sinh.
Với môn Toán, đề thi các năm 2022, 2023 và 2024 đều bao gồm 5 trang. Còn với môn tiếng Anh, đề thi năm nay (3.210 từ) chỉ dài hơn đề năm ngoái 1 từ (3.209 từ).
"Ở đề môn Toán và tiếng Anh, do có câu hỏi cần đưa ra bối cảnh cụ thể để học sinh hiểu và thiết lập được bài toán, nên câu hỏi có thể dài, nhưng câu trả lời thì ngắn", ông Thưởng nói.
Mức độ phân hóa của đề Toán và tiếng Anh có thể nhỉnh hơn một chút, dù các đề thi đều theo định hướng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Nhưng kỳ thi này cần đáp ứng 3 mục tiêu. Bộ GD&ĐT muốn nâng cao dần và chuyển trạng thái về mức độ phân hóa so với các năm trước. Đương nhiên là khi đổi mới thì khó có thể hoàn thiện mọi việc được ngay. Đổi mới cần cả quá trình, đi từng bước.
Mong muốn ngày càng nhiều trường xét tuyển bằng học bạ
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng kỳ thi năm nay có thể sẽ tác động ngược lại quá trình dạy học tại các trường phổ thông, mà quyền lợi của học sinh không bị ảnh hưởng, em nào xứng đáng vào đại học thì vẫn có thể vào.
"Áp lực của đội ngũ ra đề thi là rất lớn. Trước dư luận xã hội đối với đề thi môn Toán và tiếng Anh, chúng tôi đã phải động viên thầy cô rất nhiều rằng thầy cô đã làm đúng chỉ đạo, đúng tinh thần đổi mới", ông Thưởng cho biết.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng một số đề thi để thử nghiệm trên diện rộng với khoảng 12.000 thí sinh trên toàn quốc, kể cả những tỉnh khó khăn nhất. Ảnh minh họa: PHI HÙNG
Theo dự báo, nhận định, phổ điểm có thể thấp hơn năm trước. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe, ghi nhận các ý kiến.
Đồng thời, ông Thưởng cho hay mong muốn của Bộ GD&ĐT là ngày càng nhiều trường đại học có thể sử dụng được kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh. Và đến một thời điểm nào đó, khi quá trình dạy ở phổ thông được thực hiện tốt, việc dạy và học đi vào thực chất hơn nữa, có cơ chế giám sát chặt chẽ, thì các trường đại học, cao đẳng có thể yên tâm, tin tưởng xét tuyển bằng học bạ.
"Việc các trường có quyền tổ chức kỳ thi riêng, thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào trường mình. Nhưng như thế chưa phải phương án tối ưu. Bởi thí sinh muốn dự thi phải đến điểm thi của trường, các em ở nơi xa, vùng sâu phải di chuyển rất khó khăn", ông Thưởng giải thích.
Nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì các em chỉ cần thi một lần và có thể xét tuyển vào nhiều trường. Điều này mang lại lợi ích lớn, không chỉ về kinh tế, mà còn về những cơ hội. Đó mới thực sự là giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội.
"Cuối cùng, chúng ta đã tổ chức thành công, nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Bao giờ cũng vậy, luôn có những khen chê. Nhưng nếu không có những bước đi đột phá thì quá trình đổi mới giáo dục còn cần thêm rất nhiều thời gian nữa", ông Thưởng nói thêm.
Bộ GD&ĐT cho biết đã triển khai xây dựng cấu trúc định dạng đề thi và công bố từ cuối năm 2023. Cấu trúc định dạng đề thi này giúp đánh giá tốt hơn năng lực của thí sinh, tránh học tủ, học lệch; độ phân hóa phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nhưng bảo đảm không vượt quá yêu cầu cần đạt được quy định trong GDPT 2018.
Việc Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc, định dạng đề thi và đề thi tham khảo từ sớm giúp cho nhà trường và học sinh chủ động trong việc dạy và học, trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ và chuẩn bị tốt hệ thống hóa kiến thức cho Kỳ thi cuối cấp.
Bộ đã xây dựng một số đề thi để thử nghiệm trên diện rộng với khoảng 12.000 thí sinh trên toàn quốc, kể cả những tỉnh khó khăn nhất. Kết quả thử nghiệm đã được phân tích kỹ lưỡng bằng lý thuyết khảo thí hiện đại và là một trong những căn cứ quan trọng để hội đồng ra đề thi tham khảo cho việc xác định mức độ của đề thi, bảo đảm độ phân hóa và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29.
Đề thi gia tăng các câu hỏi có tính phân hóa. Nội dung đề thi thuộc chương trình GDPT 2018, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Tỉ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền.
Bộ GD&ĐT cho rằng dù định dạng đề thi và định hướng điều chỉnh công tác ra đề thi đã được công bố từ năm 2023 nhưng do cấu trúc định dạng đề thi mới nên khó tránh khỏi tình trạng giáo viên và học sinh bỡ ngỡ với đề thi năm nay.
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo phương án thi mới. Dự kiến điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 được công bố vào lúc 8 giờ ngày 16-7.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-gddt-de-thi-tot-nghiep-thpt-khong-vuot-qua-chuong-trinh-post858166.html