Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho giáo dục đại học
Trong hai ngày 30-6 và 1-7, tại TPHCM, Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục đại học (Dự thảo) với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn. Tọa đàm có lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD-ĐT, cùng lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) khu vực phía Nam tham dự.

Đại biểu kiến nghị tại tọa đàm về Dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Ảnh: THANH HÙNG
Tập trung giải quyết những bất cập
Theo ban soạn thảo, dự thảo có 6 nhóm chính sách mới gồm: nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời; định vị cơ sở GDĐH là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa GDĐH; phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính; đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm thực chất trong công tác bảo đảm chất lượng GDĐH.

Đại diện Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) kiến nghị. Ảnh: THANH HÙNG
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, các quy định mới về tổ chức và quản trị cơ sở GDĐH, đặc biệt là về hội đồng trường sẽ giải quyết hiệu quả những bất cập tồn tại trong nhiều năm qua. Những thay đổi này sẽ tăng cường tính tự chủ, minh bạch và trách nhiệm giải trình, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý tại các trường đại học. Cùng với đó, quy định về xếp hạng cơ sở GDĐH (Điều 40) với việc để các trường đại học chủ động lựa chọn bảng xếp hạng phù hợp với định hướng phát triển; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của dữ liệu cung cấp cho tổ chức xếp hạng và công khai kết quả xếp hạng là cần thiết. Song việc một số tổ chức thời gian qua đã thực hiện việc xếp hạng mà không rõ mục đích, tiêu chí, dẫn đến kết quả thiếu tin cậy và gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của các trường. Do đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể và chặt chẽ về việc tổ chức thực hiện xếp hạng đại học.
Trong khi đó, TS Trương Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Đồng Tháp, bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao tính khả thi của dự thảo. Ông Đạt nhận định, dự thảo đã kế thừa những điểm tích cực và khắc phục hiệu quả các hạn chế từ thực tiễn triển khai Luật Giáo dục Đại học năm 2018. Tuy nhiên, quy định về hội đồng trường "không tham gia hoạt động quản lý, điều hành cơ sở GDĐH" có thể làm giảm nhẹ vai trò thực tế của hội đồng trường. Vì vậy, cần có sự xem xét để đảm bảo hội đồng trường có đủ quyền hạn và cơ chế để thực hiện hiệu quả chức năng của mình mà không gây chồng chéo với ban giám hiệu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: THANH HÙNG
Về quy định hội đồng khoa học và đào tạo, PGS-TS Bùi Anh Thủy, Trưởng khoa Luật (Trường ĐH Văn Lang) cho rằng, định nghĩa "tổ chức tư vấn chuyên môn, học thuật" với chức năng "tư vấn, phản biện về chính sách, định hướng phát triển đội ngũ giảng viên, hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế và các hoạt động chuyên môn, học thuật khác". Tuy nhiên, hiệu trưởng có phải chịu trách nhiệm với những lĩnh vực khoa học công nghệ do hội đồng này tư vấn, hay chỉ xem các đề xuất của hội đồng này ở mức tư vấn cần được làm rõ hơn...
Bám sát các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học lần này được xây dựng theo tinh thần ngắn gọn, không đi sâu vào chi tiết. Bởi đây là một luật khung, mang tính nền tảng và có tính bền vững cao cho sự phát triển của GDĐH. Các nội dung được đưa vào Dự thảo phải thể hiện đầy đủ và toàn diện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước với những định hướng quan trọng như: phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy kinh tế tư nhân, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh…

Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: THANH HÙNG
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là liệu Dự thảo đã thực sự giải quyết được những tồn đọng, những bài toán thực tiễn phát sinh trong thời gian qua, hay còn những khoảng trống pháp lý nào cần được bổ sung, khắc phục. Đặc biệt, yêu cầu về tính thống nhất của Dự thảo với các luật khác, đặc biệt là các văn bản luật liên quan đến khoa học công nghệ, cán bộ, công chức, viên chức cũng cần được tính toán chặt chẽ. Điều này nhằm đảm bảo một hệ thống pháp luật đồng bộ, tránh chồng chéo hoặc mâu thuẫn trong quá trình thực thi. Do đó, rất cần sự đóng góp ý kiến của các cơ sở GDĐH, các chuyên gia và nhà quản lý để luật khi ban hành phải chặt chẽ, rõ ràng, dễ hiểu và dễ áp dụng vào thực tiễn.
Cùng với đó, tọa đàm cũng được các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng khác như: hội đồng trường, hoạt động đào tạo, kiểm định chất lượng, mở chương trình đào tạo, thực hiện chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ…
Tọa đàm lấy ý kiến Dự thảo Luật Giáo dục Đại học diễn ra trong 2 ngày 30-6 và 1-7 tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM. Ban soạn thảo cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu trong 2 ngày diễn ra tọa đàm. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp ý kiến khác từ các nhà giáo, chuyên gia, lãnh đạo các cơ sở GDĐH để hoàn thiện Dự thảo.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tap-trung-thao-go-vuong-mac-cho-giao-duc-dai-hoc-post802052.html