Bộ GD-ĐT đề xuất thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới từ năm học 2025 - 2026
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non.
Theo đó, từ năm học 2025-2026 đến năm học 2027-2028 sẽ thí điểm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục Mầm non mới ở một số cơ sở giáo dục mầm non. Từ năm học 2029-2030 bắt đầu triển khai áp dụng đại trà trên phạm vi toàn quốc.
Đây là lộ trình được Bộ GĐ-ĐT nêu rõ trong dự thảo Tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục Mầm non vừa được Bộ công bố để lấy ý kiến công luận.
Theo Bộ GĐ-ĐT, chương trình giáo dục Mầm non hiện hành đã triển khai được 14 năm (từ 2009 đến 2023). Kết quả đánh giá cho thấy, chương trình giáo dục Mầm non hiện hành có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và khoa học giáo dục; trước những đòi hỏi hội nhập quốc tế, chương trình hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Cụ thể, chương trình hiện nay chưa thể hiện rõ về quan điểm tiếp cận hội nhập quốc tế và quan điểm tiếp cận văn hóa, liên/đa văn hóa; chưa quan tâm thỏa đáng đến các vấn đề thời sự của cuộc sống hiện nay và tương lai trong xu thế phát triển của thời đại và hội nhập quốc tế như: giáo dục kĩ năng sống cho trẻ, công nghệ số, quyền trẻ em, bình đẳng giới, giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu/dịch bệnh… Đặc biệt là chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Nghị quyết số 29/NQ- TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GĐ-ĐT.
Ngoài ra, xu hướng thế giới và kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy việc đổi mới chương trình giáo dục Mầm non là cần thiết.
Theo Bộ GD-ĐT, Chương trình mới sẽ tiếp cận năng lực định hướng tình cảm- xã hội, tiếp cận dựa trên Quyền trẻ em, khẳng định mạnh mẽ quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tăng cường tính mở. Cụ thể, chương trình tiếp cận năng lực hướng đến hình thành các giá trị cốt lõi và năng lực chung của trẻ, dựa trên trục tình cảm-xã hội. Điều này được thể hiện qua mục tiêu, nội dung của Chương trình và kết quả mong đợi ở từng lĩnh vực; định hướng phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ; được thống nhất phối hợp thực hiện giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Chương trình sẽ liên thông với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bổ sung nội dung, phương pháp giáo dục mới. Theo đó, chương trình mới sẽ cập nhật các nội dung, phương pháp, vấn đề hiện đại, hội nhập quốc tế về quan điểm xây dựng chương trình, quan tâm các vấn đề thời sự của cuộc sống hiện nay và tương lai trong xu thế phát triển của thời đại…
Chương trình mới cũng cá nhân hóa quá trình giáo dục, quan tâm phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội ở trẻ; cụ thể hóa mục tiêu, nội dung giáo dục ở từng độ tuổi hướng đến hình thành những chức năng tâm sinh lý, phẩm chất và năng lực tương ứng, đảm bảo nguyên tắc đồng tâm phát triển, liên thông chặt chẽ giữa các thành tố và nội dung của Chương trình… Với quan điểm tăng cường tính mở, chương trình mới trao quyền nhiều hơn cho nhà trường trong phát triển chương trình giáo dục đồng thời nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong giáo dục trẻ.
Kinh phí thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ xã hội. Kinh phí từ ngân sách nhà nước được nêu trong dự toán ngân sách hằng năm do Chính phủ trình Quốc hội theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; Ưu tiên hỗ trợ đầu tư kinh phí cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non mới.