Bộ GD-ĐT không thẩm định sách tham khảo, không yêu cầu sách bổ trợ

Bộ GD-ĐT cho hay, SGK là tài liệu dạy học chính thức trong nhà trường. Ngoài ra, không có thêm quy định về tài liệu nào khác. Trong các loại sách mà Bộ GD-ĐT yêu cầu cũng không có khái niệm nào là 'sách bổ trợ'.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 30/9, nói về tài liệu tham khảo, ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết, quy định tại Thông tư 21/2014/BGDĐT và Điều lệ trường học yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc.

“Thị trường sách tham khảo rất phong phú, số lượng sách tham khảo của các nhà xuất bản chiếm phần lớn trong danh mục bán hàng trong các cửa hàng sách. Sách giáo khoa chiếm tỷ lệ rất ít, thậm chí có nơi không có.

Hầu hết các sách tham khảo này được xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản. Còn Bộ GD-ĐT không thẩm định nội dung các sách tham khảo trên thị trường. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm thẩm định chương trình, nội dung sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quản lý, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường sao cho hiệu quả hơn”, ông Nam nói.

Ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thanh Hùng

Ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu Sở GD-ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc cung cấp sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục

Để tăng cường quản lý, sử dụng sách tham khảo, Bộ GD-ĐT sẽ chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT theo hướng quy định cụ thể hơn về yêu cầu, thẩm định, lựa chọn, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường. Cùng đó, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên sử dụng sách tham khảo đưa vào đề kiềm tra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) nêu rõ, trong luật quy định chương trình và chỉ có sách giáo khoa.

“Sách giáo khoa là tài liệu thể hiện cụ thể của chương trình, là tài liệu dạy học chính thức ở trong nhà trường. Ngoài ra không có thêm quy định về tài liệu nào khác. Sách tham khảo là do các nhà xuất bản tung ra theo Luật xuất bản và nội dung được “kiểm sạn” theo mỗi đơn vị. Những tài liệu này ở ngoài thị trường và không phải bắt buộc. Nếu đưa vào trong nhà trường, cụ thể là các thư viện chỉ để thầy trò tham khảo trong quá trình dạy và học.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Theo ông Thành, Bộ GD-ĐT đã có Thông tư số 21 năm 2014 trong đó có 8 điều quy định rõ ràng về tài liệu này.

“Thứ nhất, loại sách này là xuất bản phẩm tham khảo. Thứ hai, khi đưa vào trong nhà trường thì có quy định rất rõ ràng rằng hiệu trưởng phải tổ chức lựa chọn, tổ chuyên môn phải lựa chọn ra sao,... Với giáo viên, phải có trách nhiệm nghiên cứu kỹ để xem tài liệu tham khảo đó có phù hợp không, đáp ứng yêu cầu không thì mới đề xuất. Không được đưa những nội dung sách tham khảo vượt quá yêu cầu của chương trình vào bài dạy cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh. Bởi khi đưa vào mà vượt quá yêu cầu, học trò thấy giáo viên đưa vào từ sách đó rồi đi mua thì không được. Cùng đó quy định giáo viên không được ép, khuyến khích học sinh mua”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, các cơ quan quản lý ở địa phương, phòng GD-ĐT phải có trách nhiệm để quản lý việc này. Đặc biệt cần quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục.

Ông Thành cũng khẳng định trong các loại sách mà Bộ GD-ĐT yêu cầu không có khái niệm nào là “sách bổ trợ”.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-gd-dt-khong-tham-dinh-sach-tham-khao-khong-yeu-cau-sach-bo-tro-677715.html