Bộ GD&ĐT 'khuyến cáo' các trường đại học khi xét tuyển bằng học bạ
Bộ GD&ĐT khuyến cáo những trường đại học nào xét tuyển bằng học bạ nên sử dụng thêm ngưỡng đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp THPT để có chất lượng đầu vào tốt hơn.
Sáng 15-3, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2024. Tại đây, Bộ GD&ĐT đã có những báo cáo chi tiết về kết quả tuyển sinh đại học (ĐH) và tuyển sinh cao đẳng giáo dục mầm non giai đoạn từ năm 2015-2023.
Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy, công tác tuyển sinh thời gian qua có nhiều đổi mới, đa dạng phương thức xét tuyển, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình tuyển sinh giúp thí sinh thuận lợi hơn, điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên…
Chỉ tiêu tuyển sinh và tỉ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học ngày càng tăng qua các năm, cho thấy việc tiếp cận giáo dục ĐH ngày càng lớn, quy mô đào tạo ĐH mở rộng.
Cụ thể như năm 2023, tổng chỉ tiêu ĐH và tuyển sinh cao đẳng giáo dục mầm non hơn 663.000 thí sinh, số em nhập học hơn 546.000 em, đạt 82,45% số chỉ tiêu, tăng hơn 26.000 em so với năm trước.
Cũng ở năm này, có 203 trong tổng số 322 cơ sở đào tạo có tỉ lệ thí sinh nhập học đạt từ 80% trở lên.
Đặc biệt, Bộ đã có phân tích kết quả tuyển sinh ở hai phương thức là xét tuyển bằng học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Kết quả cho thấy, nếu tính về điểm thi tốt nghiệp THPT ở hai nhóm thí sinh trúng tuyển bằng điểm học bạ và bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch lớn, đến 3 điểm thi. Còn đối sánh kết quả học tập THPT ở hai nhóm thí sinh này, tỉ lệ chênh lệch khoảng 1 điểm. Trong đó, thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có kết quả cao hơn.
Cụ thể như sau:
Từ đây, theo bà Thủy, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn có phân loại tốt hơn. Do đó, theo bà Thủy, Bộ GD&ĐT khuyến cáo những trường nào xét tuyển bằng học bạ nên sử dụng thêm ngưỡng đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp THPT để có chất lượng đầu vào tốt hơn.
Bà Thủy cũng lưu ý, các trường hiện nay vẫn xu hướng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến nhiễu thông tin cho thí sinh. Trong đó, có những phương thức xét tuyển không có thí sinh đăng ký hoặc trúng tuyển, chứng tỏ không hiệu quả. Bộ cũng có yêu cầu các trường phân tích, đối sánh kết quả ở các phương thức xét tuyển nhưng các trường chỉ mới có đánh giá sơ lược, chưa sâu sắc, đầy đủ.
Bộ yêu cầu các trường nên có phân tích, đánh giá cụ thể các phương thức để có định hướng lựa chọn phương thức phù hợp, chất lượng và đảm bảo công bằng cho thí sinh.