Bộ GD-ĐT lên tiếng về điểm 10 tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT tăng đột biến gây xôn xao
Chiều 26-7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, đã có giải đáp với báo chí về việc điểm 10 tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng đột biến gây xôn xao dư luận.
Theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 mà Bộ GD-ĐT công bố ngày 26-7, cả nước có 24.555 điểm 10 ở các môn.
Môn Tiếng Anh năm nay có số điểm 10 tăng đột biến so với các năm trước, có hơn 4.582 bài thi điểm 10 (năm 2020 có 225 thí sinh đạt điểm 10 ở môn thi này), điểm trung bình của môn thi này là 5,84 điểm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, so với các môn khác, phổ điểm môn tiếng Anh năm nay rất kỳ lạ, khi xuất hiện 2 đỉnh tích điểm trong cùng một phổ điểm. Đỉnh thứ nhất với khoảng tích điểm là 4-5 điểm, đỉnh thứ 2 là khoảng 7-8 điểm.
Về hiện tượng phổ điểm môn tiếng Anh khác lạ so với mọi năm với 2 đỉnh chóp gây xôn xao dư luận, chiều 26-7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh đã có giải đáp với báo chí.
Ông Trinh cho biết Bộ GD-ĐT đã phân tích chi tiết phổ điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, phổ điểm chung của cả nước đối với môn thi này xuất hiện 2 đỉnh và dường như là phép cộng của 2 phổ điểm chuẩn. Một phổ điểm ứng với vùng có số điểm thấp, một phổ điểm ứng với vùng có số điểm cao hơn.
"Phổ điểm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của cả nước khá đồng dạng với phổ điểm thi tiếng Anh của một số tỉnh thành phố lớn vốn có sự khác biệt rõ về điều kiện dạy học, nhất là điều kiện dạy học môn ngoại ngữ giữa các quận, huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau" - ông Trinh nói.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng cho hay thêm để có cách nhìn toàn diện, chính xác với phổ điểm môn tiếng Anh, Bộ đã phân tích phổ điểm của từng nhóm thí sinh ở các vùng miền khó khăn và vùng miền có điều kiện dạy học thuận lợi.
Đối với nhóm thí sinh thuộc vùng miền khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… đặc biệt 2 năm qua bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các em phải học trực tuyến khiến việc học ngoại ngữ bằng hình thức này có những thiệt thòi nhất định. Kết quả phân tích phổ điểm của nhóm thí sinh thuộc vùng miền này cho thấy điểm trung bình thấp hơn nhưng dạng phổ điểm gần với phân bố chuẩn.
Tương tự phân tích với nhóm thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi hơn thì kết quả điểm trung bình tốt hơn, có nhiều điểm cao hơn và phổ điểm cũng gần với phân bố chuẩn.
Theo ông Mai Văn Trinh, qua phân tích cho thấy, đề thi môn tiếng Anh năm nay đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh cũng như phản ánh trung thực điều kiện dạy học của các nhà trường là khác nhau, đặc biệt giữa các nhà trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Thực tế, số học sinh dùng điểm thi môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học khá nhiều, trong đó có cả trường top cao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều học sinh phấn đấu để đạt được chứng chỉ ngoại ngữ uy tín để sử dụng tuyển sinh trong nước và du học nước ngoài. Điều này dẫn đến có nhiều học sinh đạt kết quả cao môn ngoại ngữ trong kỳ thi năm nay.