Bộ GD&ĐT lưu ý các cơ sở đào tạo sử dụng nhiều tổ hợp và phương thức xét tuyển

Bộ GD&ĐT hướng dẫn cơ sở đào tạo sử dụng đồng thời nhiều tổ hợp, phương thức, chứng chỉ ngoại ngữ cho một ngành hoặc nhóm ngành để xét tuyển.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Với các các cơ sở đào tạo (CSĐT) sử dụng đồng thời nhiều tổ hợp, phương thức, chứng chỉ ngoại ngữ cho một ngành hoặc nhóm ngành để xét tuyển (gọi chung là ngành), Bộ GD&ĐT yêu cầu:

Thứ nhất, CSĐT phải xác định và công bố công khai quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển, điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo hướng dẫn của Bộ GDĐT ().

Thứ hai, đối với các chứng chỉ ngoại ngữ được dùng để miễn thi tốt nghiệp THPT theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, cơ sở đào tạo được quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%; việc quy đổi phải bảo đảm các mức độ năng lực ngoại ngữ khác nhau có mức điểm quy đổi khác nhau.

Thứ ba, yêu cầu đối với việc xây dựng phương thức xét tuyển (tổ hợp, bài thi độc lập): Các tổ hợp môn hoặc bài thi đánh giá độc lập dùng để xét tuyển phải được xây dựng một cách khoa học, thực tiễn và đảm bảo lựa chọn được thí sinh có kiến thức nền tảng cùng năng lực cốt lõi phù hợp với chương trình đào tạo, trong đó cần đáp ứng một số yêu cầu cụ thể như sau:

Một là, trường hợp chương trình đào tạo đại học, cao đẳng yêu cầu kiến thức nền tảng ở một môn học nhất định, thì CSĐT cần quy định ngưỡng đầu vào đối với môn học đó để bảo đảm thí sinh đã được học môn học đó ở THPT.

Ví dụ, chương trình đào tạo ngành Y khoa có yêu cầu kiến thức nền tảng là môn Sinh học thì cần quy định điều kiện về điểm môn Sinh học ở THPT hoặc thi tốt nghiệp THPT.

Hai là, CSĐT phải quy định tỷ lệ điểm tối thiểu của phần nội dung cốt lõi (liên quan đến ngành học) mà thí sinh cần đạt trong tổng điểm bài thi. Ví dụ, khi xét tuyển ngành Toán học bằng bài thi đánh giá độc lập, CSĐT cần quy định rõ tỷ lệ điểm phần Toán học trong bài thi.

Ba là, trường hợp ngoại lệ: Các yêu cầu trên có thể không áp dụng cho các ngành đào tạo ngôn ngữ mà người học bắt đầu từ trình độ cơ bản (ví dụ, học Ngôn ngữ Pháp từ đầu). Tương tự, các ngành như Sư phạm Công nghệ hay Sư phạm Tin học cũng có thể có những điều chỉnh phù hợp.

Thứ tư, với các thí sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ (hoặc các dữ liệu khác) theo quy định để xét tuyển vào CSĐT và đã dự thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp, CSĐT sử dụng chứng chỉ thí sinh đã khai báo trên Hệ thống để xét tuyển hoặc hướng dẫn thí sinh nộp chứng chỉ ngoại ngữ (hoặc các dữ liệu khác) về CSĐT kéo dài đến ngày 28/7/2025 để làm căn cứ xét tuyển.

Bộ GD&ĐT yêu cầu, các CSĐT phải bố trí bộ phận thường trực gồm các cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, nắm vững quy chế để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác tuyển sinh của CSĐT và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. Tạo điều kiện hỗ trợ thí sinh được sử dụng các phòng máy tính nối mạng internet của CSĐT để thực hiện việc đăng ký NVXT (nếu thí sinh có nhu cầu).

Mức điểm cộng, điểm ưu tiên, Bộ GD&ĐT lưu ý, điểm cộng tối đa 10% theo thang điểm xét và được cộng trước khi cộng điểm ưu tiên (ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng). Mức điểm ưu tiên (ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng) để xét tuyển đảm bảo thống nhất, đồng bộ theo đúng quy định tại Điều 7 của Quy chế tuyển sinh.

Trường hợp xét tuyển theo thang điểm khác thang điểm 30, CSĐT phải xác định mức điểm ưu tiên tương ứng như thang điểm 30 theo quy định tại Điều 7 của Quy chế tuyển sinh. CSĐT quy định các tiêu chí phụ đối với thí sinh có năng lực vượt trội (nếu có) phải đảm bảo điểm trúng tuyển không lớn hơn điểm tối đa bao gồm cả điểm ưu tiên, điểm cộng (nếu có).

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-luu-y-cac-co-so-dao-tao-su-dung-nhieu-to-hop-va-phuong-thuc-xet-tuyen-post739774.html