Bộ GD&ĐT lý giải 'học sinh đạt 8 điểm toán mới được học vi mạch bán dẫn'

Theo Bộ GD&ĐT, học sinh phải đạt tối thiểu 8 điểm môn Toán đầu vào mới có thể phát huy tốt trong quá trình học các chương trình về vi mạch bán dẫn.

Bộ GD&ĐT vừa công bố Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ.

Theo Znews, chuẩn này áp dụng với các trường đại học tham gia chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 của Chính phủ.

Thí sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành về vi mạch bán dẫn, nếu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT phải sử dụng tổ hợp có môn Toán và có ít nhất một môn Khoa học tự nhiên phù hợp với chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.

Tổng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt tối thiểu 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu là 24/30 với tổ hợp 3 môn. Ngoài ra, điểm Toán đạt ít nhất 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu 8/10 điểm.

Nếu dùng phương thức khác, điểm trúng tuyển quy đổi phải tương đương.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sáng 18/5, tại Ngày hội tuyển sinh khối các ngành Khoa học và Công nghệ năm 2025, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết để xây dựng cơ sở chương trình, hội đồng tư vấn chuyên môn nhận thấy kiến thức nền tảng cốt lõi để học sinh có thể học tốt ngành vi mạch bán dẫn là kiến thức STEM, đặc biệt kiến thức về toán.

"Sau này, các em sẽ sử dụng kiến thức về toán rất nhiều trong quá trình học tập và làm việc liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn", ông Dũng nói.

Phó vụ trưởng cho biết khi khảo sát kết quả học tập của học sinh THPT, cũng như đánh giá kết quả học tập của sinh viên khi đã vào học các ngành kỹ thuật, công nghệ liên quan đến vi mạch bán dẫn, kết quả cho thấy các em cần nền tảng toán học nhất định.

"Qua khảo sát, đánh giá, môn Toán ở mức 8 điểm thì các em có thể phát huy tốt trong quá trình học tập. Chính vì thế, hội đồng tư vấn đề xuất chuẩn đầu vào môn Toán từ 8 điểm trở lên", phó vụ trưởng nói.

Cũng theo ông, chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn chỉ áp dụng với các trường tham gia vào đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn theo quyết định 1017 của Thủ tướng Chính phủ. Những trường không tham gia thì không bắt buộc theo chuẩn trên, có thể tuyển sinh khác quy định này.

Ngoài nội dung trên, người đã tốt nghiệp hoặc đang học đại học ngành khác có thể chuyển sang ngành vi mạch bán dẫn. Yêu cầu là cần có bằng tốt nghiệp phù hợp với ngành đào tạo dự tuyển và có điểm trung bình tích lũy (GPA) đạt từ 2,8/4 trở lên.

Với sinh viên đang học đại học ngành khác chuyển sang ngành vi mạch bán dẫn, tại thời điểm xét cần có GPA đạt từ 2,5/4 trở lên. Với trình độ thạc sĩ, yêu cầu với GPA ở bậc đại học đạt từ 2,8/4 trở lên.

Chuẩn chương trình cũng nêu danh sách 38 ngành ở trình độ đại học và 37 ngành ở trình độ thạc sĩ liên quan đến vi mạch bán dẫn, có thể tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Vietnamnet, PGS.TS Trần Đình Phong, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, người trẻ Việt Nam không kém hơn các nước trên thế giới, điều quan trọng là có quyết tâm hay không mà thôi.

Ông Phong cho biết, trong những năm qua, nhà trường rất kiên trì mỗi năm tuyển khoảng 1.000 sinh viên để đào tạo trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Tuy vậy, lĩnh vực này vẫn thiếu nguồn nhân lực, các bạn trẻ nên cân nhắc để theo học.

"Hiện, tính trên 1 triệu dân có 757 người Việt Nam đang làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Trong khi học sinh lớp 12 hiện nay sẽ tốt nghiệp đại học và góp mặt trên thị trường lao động ở năm 2030. Đó là mốc thời gian Việt Nam hướng đến trở thành một nước có thu nhập trung bình cao. Trên thế giới, tất cả các nước có thu nhập trung bình cao có tỈ lệ số người làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ là 1.500 người/1 triệu dân. Như vậy, từ nay đến lúc đó, chúng ta cần gấp đôi số người làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đó chính là cơ hội của các bạn", ông Phong nói.

Ngoài ra, theo ông Phong, nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao cũng đang thiếu hụt. "Rất nhiều sinh viên ở Việt Nam tốt nghiệp đại học xong đi làm luôn; rất ít người học lên thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học công nghệ (khoảng 5%)", ông Phong nói.

Theo ông Phong, khoa học công nghệ là lĩnh vực không có ranh giới, vì vậy nếu muốn phát triển, cần tăng cường hội nhập quốc tế và như vậy chắc chắn người trẻ phải có ngoại ngữ.

Ông Phong kể câu chuyện hồi lớp 12, vốn Tiếng Anh của ông gần như không có, thậm chí "chia động từ to be" còn không rành. "Nhưng khi tôi lên môi trường đại học, một giáo sư phụ trách chương trình đào tạo khóa cử nhân khoa học tài năng nói với chúng tôi rằng: 'No English - no science' (không có Tiếng Anh - không khoa học - PV) và cho chúng tôi tự lựa chọn hoặc là phải học tiếng Anh để làm khoa học hoặc từ bỏ con đường này. Từ đó, tôi đã quyết tâm học được Tiếng Anh. Các bạn trẻ cũng không nên quá lo lắng, bởi trên thế giới chỉ có vài nước nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, còn lại cơ bản đều hiểu nhau hết. Giới khoa học công nghệ khi dùng tiếng Anh cũng chỉ là ngôn ngữ chuyên ngành, thậm chí không ai để ý bạn chia động từ sai, mà ý tưởng đằng sau đó mới là điều quan trọng", ông Phong chia sẻ.

Theo Hà Nội Mới, trước đó, ngày 15/5, Bộ GD&ĐT công bố chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ; áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học tham gia thực hiện Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định, học sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành về vi mạch bán dẫn, nếu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải sử dụng tổ hợp có môn toán và có ít nhất một môn khoa học tự nhiên phù hợp với chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.

Tổng điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt tối thiểu 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu là 24/30 với tổ hợp ba môn; ngoài ra, điểm toán đạt ít nhất 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu 8/10.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-gddt-ly-giai-hoc-sinh-dat-8-diem-toan-moi-duoc-hoc-vi-mach-ban-dan-204250518200253012.htm