Bộ GD&ĐT lý giải phải đạt 8 điểm Toán mới được học vi mạch bán dẫn
Trong quá trình học tập và làm các công việc liên quan đến vi mạch bán dẫn, cần sử dụng rất nhiều kiến thức về Toán học.
Thông tin trên được ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT, chia sẻ tại Ngày hội tuyển sinh khối các ngành Khoa học và Công nghệ 2025 do báo Tiền Phong phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các đơn vị tổ chức, diễn ra sáng 18-5.
Tại chương trình, một học sinh đặt câu hỏi: “Đối với chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, tại sao lại có yêu cầu học sinh phải đạt tối thiểu 8 điểm môn Toán mới được đăng ký học ngành này?”.
Trả lời nội dung trên, ông Dũng cho biết: “Trong quá trình xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, hội đồng tư vấn chuyên môn xác định rằng để tham gia học tốt ngành này, kiến thức nền tảng cốt lõi về Toán học đóng vai trò rất quan trọng".
Cùng với đó, trong quá trình làm các công việc liên quan đến vi mạch bán dẫn cũng cần sử dụng rất nhiều kiến thức về Toán học.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã tiến hành nhiều khảo sát về kết quả học tập của học sinh THPT và đánh giá kết quả của sinh viên đang theo học ngành vi mạch bán dẫn tại các trường đại học hiện nay.
"Quá trình khảo sát cũng xác định được học sinh cần tối thiểu 8 điểm môn Toán thì có thể theo học tốt ngành vi mạch bán dẫn", ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết thêm, chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành chỉ áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học tham gia thực hiện chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” của Chính phủ.
Các trường không tham gia chương trình không bắt buộc theo chuẩn này, có thể tuyển sinh đầu vào khác với điều kiện tại chuẩn chương trình của Bộ.
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, chia sẻ thêm: "Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội có đào tạo chương trình vi mạch bán dẫn. Trong quá trình học ngành này có 3 công đoạn chính: Thiết kế - Chế tạo - Đóng gói".
Trong đó, ở công đoạn đầu tiên, môn Toán là cơ sở chính để theo học. Để học tốt thiết kế, học sinh cần có kiến thức rất tốt về Toán học.
Ngoài ra, theo bà Thanh, môn Vật lí cũng rất quan trọng. "Nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là nguồn nhân lực quan trọng, rất cần theo định hướng phát triển của Chính phủ. Học sinh nên đầu tư vào cả môn Toán và Lí nếu muốn tham gia vào lĩnh vực này", bà Thanh nói thêm.
Trước đó, Bộ GD&ĐT công bố chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ, áp dụng với các cơ sở giáo dục đại học tham gia thực hiện chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” của Chính phủ.
Thí sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành về vi mạch bán dẫn, nếu đăng ký xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, phải sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn Toán và ít nhất 1 môn Khoa học tự nhiên phù hợp với chương trình đào tạo.
Tổng điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 80% thang điểm xét.
Ví dụ, thí sinh phải đạt tối thiểu 24/30 điểm với tổ hợp 3 môn. Trong đó, điểm bài thi môn Toán đạt tối thiểu 80% thang điểm xét, tương đương 8/10 điểm.
Với trình độ thạc sĩ, người học cần có điểm trung bình tích lũy của chương trình đào tạo đại học đã tốt nghiệp từ 2,8/4 trở lên (hoặc tương đương).
Chi tiết 38 ngành ở trình độ đại học và 37 ngành ở trình độ thạc sĩ liên quan đến vi mạch bán dẫn tại đây.