Bộ GD-ĐT: Nếu cần thiết sẽ điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020
31-5 là kết thúc năm học, nhưng nếu trong trường hợp bất khả kháng có thể lùi lại sang tuần đầu của tháng 6. Trong tình huống bất khả kháng nữa, thì Bộ GD-ĐT sẽ có kế hoạch điều chỉnh khung thời gian năm học.
Liên quan đến việc học sinh cả nước nghỉ học do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona mới (nCoV) gây ra, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các địa phương về việc chủ động điều chỉnh kế hoạch, khi cho học sinh nghỉ học phải xây dựng kế hoạch cho học sinh học bù.
Ông Thành cho biết thêm trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD-ĐT, mỗi học kỳ đều có một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương (khung thời gian năm học của Bộ là 37 tuần, trong khi chương trình học thì được thiết kế chỉ 35 tuần). Do đó, các địa phương, nhà trường có thể sử dụng quỹ thời gian này để bố trí học bù.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch do virus corona chủng mới (nCoV), chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, việc có tiếp tục cho học sinh nghỉ học hay không còn phải tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
"Chúng ta không mong, nhưng nếu bất khả kháng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì UBND các tỉnh theo thẩm quyền phải chủ động theo dõi tình hình, thực hiện chỉ đạo của Trung ương để quyết định cho học sinh nghỉ tiếp hay đi học lại.
Bộ GD-ĐT cũng đã tính đến cả tình huống học sinh tiếp tục phải nghỉ học. Khung thời gian năm học đã ban hành cũng có thể sẽ điều chỉnh nếu cần thiết" - ông Thành nói. Cũng theo ông Thành, 31-5 là kết thúc năm học 2019-2020, nhưng nếu trong trường hợp bất khả kháng có thể lùi lại sang tuần đầu của tháng 6-2020.
Trong tình huống bất khả kháng nữa, thì Bộ GD-ĐT sẽ có kế hoạch điều chỉnh khung thời gian năm học để bảo đảm thực hiện đầy đủ khung thời gian chương trình, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kĩ năng cho học sinh.
Nếu thời gian nghỉ vẫn đủ trong khung kế hoạch năm học của Bộ GD-ĐT, thì các địa phương chủ động bố trí thời gian học bù cho học sinh, hoặc vào các tuần đệm hoặc có thể vào những khung thời gian phù hợp với điều kiện, cơ sở vật chất của nhà trường.
Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2020, ông Thành cho biết trong quyết định số 2071, Bộ GD-ĐT quy định rõ rằng việc tổ chức thi THPT quốc gia theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Việc hướng dẫn sẽ phù hợp với tình hình thực tế chứ không ấn định thời gian cụ thể, nên các nhà trường, phụ huynh, học sinh có thể yên tâm, không nên quá hoang mang, lo lắng.