Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chính thức thành Đại học Kinh tế Quốc dân
Ngày 12/1, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn công bố quyết định chuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân
Đồng thời, trao quyết định công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân. PGS.TS Bùi Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trở thành Chủ tịch Hội đồng ĐH Kinh tế Quốc dân. GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trở thành Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay từ nay cái tên ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ thay thế cho Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Sự khác biệt chỉ ở chỗ bớt đi một từ đầu tiên trong cái tên, nhưng mở đường cho chữ “Đại” lên đầu và giúp trường hướng tới cái “Đại” trên mọi phương diện.
Theo Bộ trưởng, sự khác nhau của “đại học” và “trường đại học” không phải ở chỗ to hay nhỏ. Trường đại học cũng có thể phát triển quy mô rất lớn, có kết quả nghiên cứu đào tạo chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế.
“Đại học quan trọng ở chỗ là một thực thể lớn với cấu trúc bên trong, đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị cao. Đại học cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới được sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại mấy giá trị”, Bộ trưởng nói.
Trong định hướng phát triển thời gian tới, theo Bộ trưởng, ĐH Kinh tế Quốc dân cần hướng tới cơ cấu đa ngành một cách hợp lý, đa ngành nhưng vẫn phát huy được lợi thế, sở trường và sức mạnh truyền thống. Đa ngành không có nghĩa tất cả những gì người khác làm, mình cũng làm. “Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình. Bản sắc và thương hiệu của nhà trường cần nối tiếp và phát huy trong mô hình tổ chức mới”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, với thầy cô trong ban lãnh đạo, sự thay đổi tên gọi từ hiệu trưởng sang giám đốc không chỉ là đổi mới về tên mà cần có tầm nhìn mới, tư duy quản trị mới cho phù hợp với đối tượng quản lý đã khác trước về quy mô và tính chất.
Về công tác tổ chức, mỗi trường, đơn vị, tổ chức bên trong cần có cơ chế tự chủ phù hợp, có chức năng, nhiệm vụ riêng, không trùng lặp và phải là phần ghép hữu cơ không thể thiếu, tạo nên tổng thể của một đại học hoàn chỉnh và mạnh mẽ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đất nước đang rất khẩn trương, tích cực và quyết tâm phát triển các ngành công nghệ và kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ mới, mong sao theo kịp các nước tiên tiến. Nhưng công nghệ phát triển, sản xuất phát triển mà các lĩnh vực về quản trị, kinh doanh, các chính sách điều hành kinh tế từ vĩ mô tới vi mô mà không tiên tiến, không theo kịp thế giới, hiệu lực hiệu quả của những nỗ lực trong công nghệ và kỹ thuật cũng sẽ không đem lại hiệu quả phát triển cho đất nước, thậm chí rủi ro về kinh tế còn gia tăng. Điều này cũng giống như người vụng mà dùng công cụ quá sắc bén.
Từ đó, Bộ trưởng cho rằng, với các trường đại học khác, sản phẩm khoa học là các phát minh sáng chế, là sản phẩm khoa học và công nghệ chuyển giao, là các công bố khoa học uy tín, ảnh hưởng tầm nhân loại. Với ĐH Kinh tế Quốc dân, sản phẩm rất quan trọng chính là tư vấn chính sách, giải pháp về chính sách, là mô hình, phương pháp quản lý tầm quốc gia với các thành tố của nền kinh tế, từ Trung ương tới địa phương và doanh nghiệp. Cùng với đó, giáo dục cho sinh viên từ trong nhà trường về văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.
Bộ trưởng cũng lưu ý, một trong những việc cần làm ngay của nhà trường là rà soát và hoàn thiện chiến lược phát triển dựa trên cơ sở các chủ trương, định hướng, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục, phát huy hết lợi thế để trưởng thành nhanh chóng trong một mô hình quản trị mới. Bộ GD&ĐTsẽ có cơ chế hỗ trợ và giám sát phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho ĐH Kinh tế Quốc dân phát triển.
Cũng tại buổi lễ, GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay sự chuyển đổi sang mô hình đại học là sự khẳng định vị thế đặc biệt của ĐH Kinh tế Quốc dân trong nền giáo dục đại học ở Việt Nam.
Với việc thành lập 3 trường: Trường Kinh tế và quản lý công, Trường Kinh doanh, Trường Công nghệ, ĐH Kinh tế Quốc dân có bước chuyển biến lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược, trở thành đại học thông minh, hiện đại, là trung tâm đào tạo bồi dưỡng nhân tài, là địa điểm làm việc của những chuyên gia hàng đầu trong đào tạo, nghiên cứu về kinh tế, quản lý kinh doanh và ứng dụng công nghệ, là lựa chọn ưu tiên cao nhất cho học sinh xuất sắc.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh, hướng tới giai đoạn mới, trên tinh thần phát huy những giá trị cốt lõi, nhà trường tiếp tục tập trung phát triển toàn diện trên các mặt giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Sự kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn sẽ được tăng cường, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cam kết luôn đặt trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua cải tiến chương trình giảng dạy, cập nhật những xu hướng mới nhất trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, đặt mục tiêu xây dựng một môi trường học thuật mở, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, giúp sinh viên, học viên không chỉ học tập kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng thực tế để trở thành những công dân toàn cầu xuất sắc.
ĐH Kinh tế Quốc dân là đại học thứ 9 của Việt Nam, bên cạnh ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Duy Tân. Trong đó, ĐH Duy Tân là đại học tư thục đầu tiên ở nước ta.