Bộ GD-ĐT ngăn chặn gian lận thi tốt nghiệp THPT 2024
Chỉ thị 15 của Thủ tướng chỉ ra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Sáng 31-5, tại Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với sự tham gia của các trường ĐH, các sở GD-ĐT.
Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra theo 5 chỉ thị, công văn, văn bản và hướng dẫn đã được Chính phủ, Bộ GD-ĐT… ban hành. Cụ thể là Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2024; Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BGDĐT ngày 22/4/2024 của Bộ GD-ĐT Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT; Công văn số 1932/BGDĐT-TTr ngày 26-4-2024 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Công văn số 1277/BGDĐT-QLCL ngày 22-3-2024 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Hướng dẫn số 3101/ANCTNB-QLCL giữa Cục QLCL, Bộ GD-ĐT và Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an.
Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Những năm qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp được tổ chức ngày càng nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn, cơ bản đáp ứng được mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, năng lực học sinh và yêu cầu tuyển sinh.
Tuy nhiên, công tác tổ chức thi và tuyển sinh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số địa phương, đơn vị chưa thật chủ động, quyết liệt trong công tác tổ chức, thực hiện; công tác phối hợp còn thiếu nhịp nhàng, chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; công tác truyền thông chưa đầy đủ, kịp thời; tình trạng sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi ngày càng tinh vi, phức tạp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện; thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức thi; thông tin, truyền thông phải chủ động, kịp thời, đầy đủ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia kỳ thi.
Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh ĐH, CĐ; bảo đảm đề thi chất lượng, có mức độ phân hóa phù hợp, tuyệt đối an toàn, chính xác, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức kỳ thi và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh;
Công văn số 1932/BGDĐT-TTr ngày 26-4-2024 của Bộ GD-ĐT quy định công tác thanh tra, kiểm tra của bộ GD-ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra việc ban hành văn bản, công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi của ban chỉ đạo cấp tỉnh, Sở GD-ĐT, hội đồng thi, điểm thi; công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra thi của sở GD-ĐT.
Đoàn thanh tra, kiểm tra của sở GD-ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi của hội đồng thi, các ban của hội đồng thi đối với công tác chuẩn bị thi, công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng đánh giá kết quả học tập của học sinh THPT sau 12 năm học. Kết quả thi được sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ và có ảnh hưởng đến định hướng tương lai của học sinh, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và hệ thống thi cử quốc gia, gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, tạo ra môi trường học tập và thi cử không lành mạnh. Do vậy, việc đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm minh, công bằng là vô cùng quan trọng. Công tác thanh tra đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-6. Thí sinh thi 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn) và 1 bài thi tổ hợp tự chọn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Năm 2024, cả nước có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2024 trên hệ thống đăng ký thi, có 45.344 thí sinh tự do.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn thi, gồm 2 môn bắt buộc là toán, văn cùng 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).