Chuyên gia nói gì về đề xuất ngành Giáo dục được chủ động tuyển giáo viên?

Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên là một trong những điểm mới quan trọng của dự thảo Luật Nhà giáo.

Đề xuất ngành Giáo dục được tuyển giáo viên

Theo chương trình công tác của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong các ngày 9/11 và 20/11 tới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày tờ trình về dự án Luật Nhà giáo và giải trình, làm rõ một số vấn đề.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đề xuất Bộ này và Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.

Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.

Dự thảo Luật quy định việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao. Như vậy, điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Đồng tình với đề xuất cho Bộ GD&ĐT được tuyển dụng giáo viên

Lý giải về việc cần thiết giao cho ngành Giáo dục tuyển dụng giáo viên, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thứ nhất, cơ quan quản lý giáo dục tổ chức việc tuyển dụng giáo viên sẽ khắc phục được tình trạng tuyển dụng được đúng người. Thứ hai, sẽ tuyển dụng được thường xuyên đáp ứng nhu cầu khi xảy ra tình trạng thiếu giáo viên trong quá trình tổ chức triển khai. Thứ ba là tuyển dụng đủ, hết chỉ tiêu, biên chế được giao cho ngành Giáo dục trong quá trình tổ chức thực hiện.

Một tiết học chuyên đề của học sinh lớp 6 Trường THCS Ba Đình (Hà Nội).

Một tiết học chuyên đề của học sinh lớp 6 Trường THCS Ba Đình (Hà Nội).

Dưới góc độ chuyên gia giáo dục độc lập, chuyên gia Bùi Khánh Nguyên đồng tình với đề xuất cho Bộ GD&ĐT được tuyển dụng giáo viên. Về nguyên tắc, trách nhiệm phải đi kèm với nguồn lực nên Bộ GD&ĐT được giao nhiều trách nhiệm thì phải đi kèm với các quyền đủ mạnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao. "Nếu sắp tới Bộ GD&ĐT quản lý về hai mảng tài chính và nhân sự, sẽ có những bài toán cụ thể được đặt ra như phương pháp tổ chức nhân sự như thế nào để nguồn nhân lực được hạnh phúc, cống hiến và có năng lực tốt hơn; nhà trường được đầu tư ngân sách hằng năm bao nhiêu; cộng đồng và xã hội giám sát bằng cách nào?...".

TS. Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đồng tình việc giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục. Theo TS. Vũ Thu Hương, thực tế cho thấy, bên tuyển dụng (Nội vụ) thì không được sử dụng giáo viên, bên sử dụng (Giáo dục) lại không được quyền tuyển dụng dẫn tới tình trạng tuyển nhân sự chưa đủ năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc của ngành Giáo dục. Đặc biệt, nếu ngành Giáo dục được phép tuyển dụng giáo viên sẽ có tiếng nói với nhân sự. Giáo viên chỉ thực hiện công việc chuyên môn mà không phải làm các nhiệm vụ "phi giáo dục" khác.

Chia sẻ với báo chí mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, trên thực tế, Bộ GD&ĐT được giao thẩm quyền chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên; Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên, đối với việc quản lý nhà giáo thì Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ có quyền quản lý về chuyên môn đối với nhà giáo; không quản lý về số lượng, biên chế, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm đối với nhà giáo.

"Hầu hết các địa phương, cơ quan chuyên môn về giáo dục và đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu. Điều này đã và đang gây khó khăn cho các địa phương trong việc giải quyết vấn đề chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu hoặc chuyển công tác cho các giáo viên có nguyện vọng khi nơi đi và nơi đến không cùng cơ quan quản lý".

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, việc giao thẩm quyền cho Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH sẽ giúp ngành chủ động trong xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý; từ đó nắm tổng thể đội ngũ, dự báo nhu cầu, cân đối hợp lý các khâu tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng; điều tiết giáo viên kịp thời, hợp lý. Như vậy, có thể khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đã và đang diễn ra trong thực tiễn thời gian qua; đồng thời góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu. "Tôi cho rằng, nếu được Quốc hội chấp thuận, ủng hộ thì đây sẽ là một trong những chính sách mang tính đột phá của Dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội tại kỳ họp này".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-de-xuat-nganh-giao-duc-duoc-chu-dong-tuyen-giao-vien-169241107230309242.htm