Bộ GD&ĐT thông tin ngày bộ tài liệu Tiếng Việt 1 của GS. Hồ Ngọc Đại hết hiệu lực
Theo đại diện bộ GD&ĐT, bộ tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại sẽ hết hiệu lực trước khi bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Xung quanh những ồn ào về bộ tài liệu tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc PV với ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng phụ trách vụ Giáo dục Tiểu học, bộ GD&ĐT về vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Hữu: Quan điểm của chúng tôi đây là một vấn đề không sai về khoa học. Đây cũng là cách tiếp cận, cách dạy học mà đích cuối cùng làm sao để cho học sinh biết đọc biết viết. Yêu cầu của môn tiếng Việt 1 là sau khi học các em có thể đọc chơi, viết được đúng chính tả.
Cách dạy của GS Hồ Ngọc Đại là dạy âm và chữ thông qua đánh vần, theo tôi có phần đơn giản hơn cách đánh vần trước đây. Như vậy, giúp cho học sinh xác định được lời nói và âm vị. Chính vì thế các em có thể viết chính tả tốt hơn. Đến khi kết thúc lớp 1 là các cháu có thể đọc thông viết thạo.
Quan điểm của Bộ là đồng ý cho các trường triển khai bộ tài liệu này!
PV: Với vai trò quản lý ngành, bộ GD&ĐT có phương hướng thế nào để phụ huynh có thể yên tâm rằng, cách “đánh vần lạ” không ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo dục mà sẽ giúp con phát triển tốt hơn như trong thuyết trình của GS. Hồ Ngọc Đại và nhóm trường thực nghiệm đưa ra?
Ông Nguyễn Đức Hữu: Tài liệu tiếng Việt 1 là công trình nghiên cứu khoa học tập thể do GS. Hồ Ngọc Đại đứng đầu. Cho đến nay đã triển khai tại 48 tỉnh trên cả nước, tuy nhiên không phải 100% các trường ở những địa phương này đều thực hiện. Qua nhiều ngày triển khai, Bộ đã tiến hành khảo sát đánh giá, đặc biệt là 2 năm vừa qua đã tiến hành thẩm định 2 vòng.
Phụ huynh hãy hết sức an tâm. Các thầy cô sẽ có trách nhiệm đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục ở từng lớp, từng môn. Bộ tài liệu này sẽ giúp cho học sinh nắm chắc vần, tiếng, quy tắc chính tả.
PV: Bộ GD&ĐT có chủ trương phổ cập cách dạy này không? Nếu có thì lộ trình sẽ ra sao?
Ông Nguyễn Đức Hữu: Thực tế mà nói đến nay bộ sắp sửa ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, cùng với đó là chương trình các môn học thì lúc đó tài liệu tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục sẽ hết hiệu lực. Sau đó, căn cứ vào chương trình mới bộ GD&ĐT sẽ thẩm định và lựa chọn những tài liệu nào, bộ SGK nào đạt quy định.
PV: Tức có nghĩa chương trình GDPT mới sẽ có nhiều bộ SGK và tài liệu khác nhau?
Ông Nguyễn Đức Hữu: Trong Nghị quyết 88 của Quốc hội tới đây chúng ta sẽ ban hành 1 chương trình và nhiều sách giáo khoa. Như vậy sẽ mở cơ hội cho các tác giả biên tập SGK đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Việc dạy cho học sinh lớp 1 đảm bảo đúng yêu cầu của chuẩn kỹ năng, lúc đó cách đánh vần nào giúp cho học sinh đọc thông viết thạo thì tất cả những bộ sách ấy sẽ được thẩm định và phê duyệt.
Sẽ có nhiều các dạy học sinh. Có thể có một đích đến, nhưng có nhiều con đường để đến với đích đó.
PV: Thời gian vừa qua, GS Hồ Ngọc Đại nhiều lần cho rằng có lợi ích nhóm đứng sau những ồn ào về bộ tài liệu tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục. Ông nghĩ sao?
Ông Nguyễn Đức Hữu: Tôi không cho rằng có lợi ích nhóm ở đây. Trước một vấn đề mới, đặc biệt với giáo dục lúc nào cũng có tranh luận và quan điểm khác nhau. Đây hãy coi như là lần tập dượt để tới đây có một chương trình nhiều SGK. Lúc đó chúng ta sẽ có nhiều đổi mới trong cách dạy học và cách tiếp cận.
Việc tranh luận là hết sức khách quan, mong rằng khi tranh luận phải tôn trọng khoa học và tôn trọng lẫn nhau. Trong đổi mới giáo dục, cần chấp nhận những tranh luận, nhưng đó thể hiện sự quan tâm tới giáo dục của những nhà khoa học.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!