Bộ GDĐT đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế giáo viên riêng trong năm 2021
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2020-2021, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm học 2020-2021 còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên; chất lượng đội ngũ không đồng đều.
Sáng nay (28/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị.
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm học 2020-2021, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, ngành Giáo dục đã tập trung nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Bộ GDĐT đã hướng dẫn địa phương rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả; đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, bảo đảm "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp"; ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Căn cứ số liệu thừa, thiếu giáo viên trên cả nước (hiện cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên và thừa 10.178 giáo viên các cấp học), Bộ GDĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021-2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số) (không bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh được bổ sung biên chế giáo viên mầm non năm 2019).
Thực hiện Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, để địa phương, các cơ sở GDĐH có căn cứ tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên, Bộ GDĐT đã ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở GDMN, GDPT công lập; các thông tư quy định chế độ làm việc của giảng viên đại học và giảng viên cao đẳng sư phạm. Ngoài ra, để bảo đảm chế độ cho nhà giáo trong giai đoạn chờ chế độ tiền lương mới, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Hiện nay tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp mầm non là 77,8%, tiểu học là 69,4%, THCS là 83,3%, THPT là 99,9%. Thực hiện Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, Bộ GDĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai giai đoạn 1 (2020-2025).
Đồng thời, Bộ GDĐT tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo các đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã ban hành; giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm cho các cơ sở đào tạo giáo viên, mở mã ngành đào tạo cho các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018.
Các địa phương đã chủ động rà soát đội ngũ giáo viên hiện có để xác định số lượng biên chế giáo viên cần bổ sung cho từng cấp học; xây dựng lộ trình, các giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên gắn với nâng cao hiệu quả việc tinh giản biên chế; tính toán nhu cầu đào tạo nâng chuẩn trình độ đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông theo Luật Giáo dục 2019 và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng triển khai tập huấn, bồi dưỡng bằng hình thức bồi dưỡng qua mạng (thông qua hệ thống quản lý học tập trực tuyến - LMS).
Báo cáo nhấn mạnh, năm 2021, các địa phương sẽ cử 37.389 giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ, gồm: 9.859 giáo viên mầm non (chiếm tỉ lệ 10,96% giáo viên chưa đạt chuẩn); 17.822 giáo viên tiểu học (chiếm tỉ lệ 6,36% giáo viên chưa đạt chuẩn); 9.708 giáo viên THCS (chiếm tỉ lệ 3,86% giáo viên chưa đạt chuẩn).