Bộ GDĐT yêu cầu đánh giá lại nội dung luận án đạo văn: ĐH Huế đang xử lý ra sao?
Đại học Huế đang từng bước lựa chọn thành viên hội đồng đánh giá lại nội dung luận án của bà L.T.A.H. Hội đồng này bao gồm 7 thành viên.
Vừa qua, vụ việc luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H - nguyên nghiên cứu sinh của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế bị kết luận đạo văn 12 trang, sai sử liệu gây xôn xao dư luận.
Về việc xử lý trường hợp luận án của bà L.T.A.H, trong công văn gửi Đại học Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Đại học Huế tổ chức đánh giá lại nội dung luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H; từ đó, xác định hình thức kỷ luật đối với bà L.T.A.H. Trong trường hợp luận án không còn đáp ứng yêu cầu của một luận án tiến sĩ, Đại học Huế cần xem xét trách nhiệm của Hội đồng đã thông qua luận án của bà L.T.A.H. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Đại học Huế triển khai thực hiện và báo cáo Bộ trước ngày 30/1/2025.
Nhiều bạn đọc, chuyên gia bày tỏ băn khoăn về quy trình, tiến độ xử lý các yêu cầu này của Đại học Huế. Có ý kiến cho rằng, luận án tiến sĩ đạo văn là "điều không thể chấp nhận được", cần mạnh tay xử lý để làm gương, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của đất nước.
Để làm rõ những băn khoăn nêu trên, sáng ngày 17/12, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ đến Tiến sĩ Nguyễn Công Hào - Trưởng ban Thanh tra, pháp chế Đại học Huế.
Tiến sĩ Nguyễn Công Hào thông tin, sau khi nhận được công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Đại học Huế đánh giá lại nội dung luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H, lãnh đạo đơn vị đã họp, thống nhất giao Ban Đào tạo và Công tác sinh viên chủ trì thực hiện.
Để có thêm thông tin về tiến trình xử lý vụ việc, phóng viên liên hệ Tiến sĩ Lê Văn Tường Lân – Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế. Qua trao đổi, Tiến sĩ Lân cho biết, đơn vị đã họp cùng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) - cơ sở đào tạo thực hiện các công đoạn theo đúng quy định, sau đó sẽ trình lên Đại học Huế để tiến hành các bước tiếp theo.
Trước đó, Đại học Huế đã mời các chuyên gia, giáo sư đầu ngành ở cả trong và ngoài đơn vị tham gia xác minh thông tin tố cáo luận án tiến sĩ của bà L.T.A.H, đảm bảo tính khách quan, công tâm.
Hiện, đơn vị cũng đang từng bước lựa chọn thành viên hội đồng để đánh giá lại nội dung luận án của bà L.T.A.H. Hội đồng này bao gồm 7 thành viên.
Điều 35, Thông tư số 10 ngày 7/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ quy định, Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện gồm 7 thành viên, bao gồm những nhà khoa học có chức danh khoa học, có bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ; có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín chuyên môn; am hiểu vấn đề nghiên cứu của luận án; có công trình liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh công bố trong vòng ba năm tính đến khi được mời tham gia Hội đồng. Số thành viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư ít nhất là 4 người; thành viên là tiến sĩ phải sau khi nhận bằng tròn ba năm. Số thành viên thuộc cơ sở đào tạo không quá ba người.
"Đại học Huế thành lập hội đồng để đánh giá lại nội dung luận án của bà L.T.A.H. Sau khi thành lập hội đồng, hội đồng họp xong rồi, còn phải gửi luận án cho các thành viên hội đồng đọc để phân tích, đánh giá, phản biện… nhằm đảm bảo các quy trình, quy định nên khó hoàn thành chỉ trong ngày một ngày hai được. Thông thường, thời gian để chuyên gia đọc, xem xét... luận án, nhanh nhất từ 5-6 tuần, thậm chí sẽ mất 8-9 tuần.
Sau khi hội đồng có đánh giá, kết luận cuối cùng, thì lúc ấy đơn vị mới có báo cáo cho Bộ và xin ý kiến tiếp theo dựa vào kết luận đó. Căn cứ theo thời hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao, chúng tôi sẽ báo cáo kết quả tiến độ”, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế chia sẻ.
Theo thầy Lân, trường hợp luận án tiến sĩ đạo văn 12 trang là lần đầu tiên xảy ra tại Đại học Huế. "Trước đây, việc đánh giá sự trùng lặp như thế này chưa có phần mềm hoặc phần mềm tương đối yếu. Hiện nay đã có dữ liệu trên các hệ thống trực tuyến để đánh giá. Quá trình đánh giá ở cấp cơ sở bao giờ cũng có bước rà soát các nội dung trùng lặp. Nếu có nội dung trùng lặp, thì sẽ rà soát xem có những vướng mắc gì hay không trước khi đến bước hội đồng đánh giá. Trường hợp này (luận án tiến sĩ bà L.T.A.H - PV) đã thông qua hội đồng thì quá trình xử lý cũng phức tạp hơn nhiều", Tiến sĩ Lân thông tin.
Ngoài ra, hiện, trong văn bản quy định liêm chính học thuật của Đại học Huế, thông thường chủ yếu tập trung đến khía cạnh chống đạo văn trước khi bảo vệ mà chưa đề cập đến sau bảo vệ.
Về nội dung này, Tiến sĩ Lân lý giải: "Quy định liêm chính học thuật nhằm phục vụ cho đảm bảo cho những đề tài, nội dung, công trình tại thời điểm thực hiện. Hiện nay, sau khi bảo vệ xong, nếu có khiếu nại, tố cáo hay những vấn đề phản ánh thì sẽ dựa theo quy định Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như quyết định số 1528/QĐ-ĐHH ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế. Đại học Huế tiến hành xử lý các việc theo tinh thần đúng quy chế, quy định, đồng thời các bước cũng phải hết sức cẩn trọng".
Theo Quyết định số 1528/QĐ-ĐHH ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế, quy trình đánh giá luận án tiến sĩ của các chương trình đào tạo do Đại học Huế cấp bằng hoặc cùng cấp bằng theo quy trình: Đánh giá luận án cấp cơ sở (hoặc cấp đơn vị chuyên môn) - phản biện độc lập luận án - đánh giá luận án cấp Đại học Huế.
Quyết định này cũng đề cập, nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp: Hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo, sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án và bị Hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu theo các quy định liên quan; luận án của nghiên cứu sinh không được Hội đồng thẩm định thông qua theo quy định.
Phóng viên cũng băn khoăn, sau những lùm xùm liên quan đến luận án tiến sĩ đạo văn, dư luận xôn xao, phía bà L.T.A.H có lên tiếng hay giải thích điều gì hay không, Tiến sĩ Lân chia sẻ: "Hiện nay tôi chưa nhận được thông tin gì từ phía cô L.T.A.H. Quá trình thẩm định nội dung tố cáo trước đó của vụ việc là do Ban Thanh tra Pháp chế phụ trách, còn Ban Đào tạo và Công tác sinh viên cũng vừa mới nhận nhiệm vụ này".
Một số yêu cầu đối với luận án tiến sĩ được nêu tại Quyết định số 1528/QĐ-ĐHH ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế như sau:
Luận án tiến sĩ là kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, trong đó chứa đựng những đóng góp mới về lí luận và thực tiễn ở lĩnh vực chuyên môn, có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học và giải quyết trọn vẹn vấn đề đặt ra của đề tài luận án. Khuyến khích luận án tiến sĩ được viết bằng tiếng Anh.
Luận án tiến sĩ phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền tài sản trí tuệ được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ: Kết quả nghiên cứu trong luận án phải là kết quả lao động của chính nghiên cứu sinh đạt được chủ yếu trong thời gian đào tạo. Nếu sử dụng kết quả, tài liệu của người khác thì phải được tác giả đồng ý và trích dẫn đầy đủ, rõ ràng, không được vi phạm các hình thức đạo văn.
Nếu luận án là công trình khoa học hoặc một phần công trình khoa học của một tập thể trong đó nghiên cứu sinh đóng góp phần chính thì phải xuất trình các văn bản thể hiện sự nhất trí của các thành viên trong tập thể đồng ý cho nghiên cứu sinh sử dụng kết quả chung của tập thể để viết luận án.