Bộ Giáo dục nên phát động các thư viện nhà trường tặng sách cho học sinh vùng lũ
Nếu bây giờ, các tỉnh không bị thiên tai giúp thầy và trò các tỉnh miền Trung bằng những bộ sách giáo khoa trong các thư viện nhà trường thì quý biết bao nhiêu.
Những ngày qua, các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế trở ra đến Hà Tĩnh đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, nước mênh mông ngấp nghé mái nhà…
Đồng bào miền Trung chịu tổn thất nặng nề về mọi mặt nên rất cần sự chung tay giúp đỡ của đồng bào trong và ngoài nước. Nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra vận động để chia sẻ với các địa phương này nhằm vơi bớt những khó khăn, thiếu thốn.
Rồi đây, khi mà nước lũ rút, cuộc sống bình thường trở lại, chắc chắn những người dân nơi đây, cũng như ngành giáo dục các tỉnh miền Trung sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Trong đó, việc dạy và học ở các nhà trường sẽ thiếu sách giáo khoa trầm trọng vì phần nhiều đã bị ngâm nước trong những ngày qua. Nếu bây giờ, các tỉnh không bị thiên tai giúp thầy và trò các tỉnh miền Trung bằng những bộ sách giáo khoa trong các thư viện nhà trường thì quý biết bao nhiêu.
Sách giáo khoa trong nhiều trường học không sử dụng đến
Chúng tôi đã có dịp đi đến nhiều thư viện các trường phổ thông và thấy các thư viện nhà trường hiện nay chỉ chủ yếu là sách giáo khoa của các lớp học nhưng gần như không được sử dụng đến vì đa số phụ huynh đều mua sách cho con em mình học.
Vậy nên, nhiều bộ sách giáo khoa ở các thư viện nhà trường đã ngả màu theo thời gian…vì đã để không nhiều năm trời.
Trong khi Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được áp dụng đại trà cho lớp 1 từ năm học này.
Vì thế, chỉ sang năm học sau thì sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 đang để không trong các thư viện nhà trường sẽ phải bỏ đi một cách lãng phí. Các lớp còn lại cũng sẽ tiếp tục bị bỏ dần trong các năm học tới đây.
Mỗi bộ sách giáo khoa hàng trăm ngàn đồng nếu phải bỏ đi để bán phế liệu thì quả thật là lãng phí vô cùng bởi có rất nhiều sách giáo khoa chỉ cũ nhưng chưa bao giờ sử dụng nên giấy còn rất cứng và không hề rách.
Trong khi đó, học sinh và giáo viên các tỉnh miền Trung tới đây sẽ rất cần những bộ sách giáo khoa này. Bởi vì, khi nước lũ lên quá nhanh nên nhiều gia đình gần như chỉ cố gắng cứu người còn đồ đạc gần như phải bỏ lại trong nước lớn.
Và tất nhiên, những sách vở của học sinh cũng phải bỏ lại trong dòng nước lũ.
Máy tính hư, sách vở ướt hết, lấy chi mà học?
Sau lũ, nhiều gia đình sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là trắng tay khi đồ đạc bị hư hại, tài sản bị vùi lấp trong đất đá hoặc bị cuốn trôi mất hết nên việc bỏ ra vài trăm ngàn đồng mua sách vở cho con sẽ là một gánh nặng khá lớn.
Vì thế, trong mấy ngày gần đây thì đã có nhiều bài viết, nhiều lời kêu gọi từ giáo viên của các tỉnh trong vùng lũ với một mong muốn được các đồng nghiệp, các mạnh thường quân trên cả nước hỗ trợ sách vở cho học trò của mình.
Những lời kêu gọi, chia sẻ trên mạng xã hội của nhiều thầy cô giáo vùng lũ cùng với những hình ảnh sách vở của học trò và các trường học được đăng lên khiến chúng ta xem thật nhói lòng.
Khúc ruột miền Trung, những trường học và thầy trò nơi đây sẽ rất cần sự chung tay của cả nước. Trong đó, có lẽ không giản đơn chỉ chuyện cơm áo gạo tiền mà những bộ sách giáo khoa, những cuốn tập cho học trò đi học trở lại cũng trở nên cần thiết hơn lúc nào hết.
Bộ giáo dục nên phát động phòng trào quyên góp sách giáo khoa cho các tỉnh miền Trung
Hiện các tỉnh phía Nam và phía Bắc đang duy trì việc giảng dạy và học tập bình thường thì nhiều thầy cô và học trò ở các tỉnh miền Trung đang còn phải trú nhờ ở đâu đó, chưa được về nhà…
Vài ngày nữa, khi nước rút hết thì việc đầu tiên thầy cô phải làm là quay lại trường dọn dẹp đống hoang tàn, công tác giảng dạy và học tập ở đây chưa biết khi nào mới trở lại bình thường. Khó khăn là điều chắc chắn phải đối mặt vì nhiều trường lớp tan hoang, hư hại, đất đá lổn nhổn trên sân trường.
Thầy cô ăn vội mỳ tôm, đội mưa dọn bùn non để sớm đón học sinh quay lại trường
Nếu bây giờ mà Bộ Giáo dục có thêm văn bản phát động phong trào các trường học trên cả nước chung tay, gửi những bộ sách giáo khoa dư thừa trong thư viện cho các tỉnh miền Trung thì tốt biết mấy.
Khi Bộ có chủ trương, các tỉnh sẽ gom góp lại và gửi ra cho thầy và trò nơi đây để các trường học thuộc khu vực miền Trung vơi bớt đi những khó khăn và duy trì được việc giảng dạy, học tập của mình.
Bởi, tiếng nói của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lúc này sẽ có tác động lớn hơn nhiều những lời kêu gọi từ các thầy cô vùng lũ.
Hơn nữa, tiếng nói ấy sẽ tạo nên sự đồng thuận của toàn ngành và cũng là cơ sở pháp lý để các trường có thể chuyển những bộ sách giáo khoa trong thư viện nhà trường đến với miền Trung một cách hợp pháp nhất.
Chúng ta đều biết, một khi sách vở đã ướt hết thì việc dạy và học ở nhà trường sẽ trở nên khó khăn vô cùng bởi học sinh không thể "học chay" được.
Nhưng, muốn mua sách giáo khoa mới thì cũng phải có tiền mà có tiền ở thời điểm này thì cũng không dễ dàng mua ngay được sách giáo khoa vì sách sẽ không sẵn ở các cửa hàng sách khi năm học đã được gần 2 tháng trời.
Trong khi đó, sách ở nhiều trường học lại bỏ không, không dùng đến mà chỉ một thời gian ngắn nữa thôi là những bộ sách giáo khoa phổ thông sẽ không còn giá trị sử dụng khi thay đổi chương trình.