Bộ Giáo dục nhận trách nhiệm vụ SGK Cánh Diều
'Để xảy ra bức xúc về một số điểm chưa phù hợp trong SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định, tác giả', báo cáo của Bộ Giáo dục nêu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa (SGK) năm học 2020-2021.
Đây là năm học đầu tiên được triển khai chương trình SGK giáo dục phổ thông mới, bắt đầu đối với lớp 1.
Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định và tác giả
Báo cáo đề cập ngay việc SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều (sách của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM, do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên) có một số nội dung chưa phù hợp, gây bức xúc dư luận.
Bộ Giáo dục cho biết ngay khi phát hiện việc này, Bộ trưởng Giáo dục đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, kiểm tra, kết luận cụ thể các nội dung theo phản ánh.
Dựa trên kết quả báo cáo của Hội đồng thẩm định, Bộ GD&ĐT đã làm việc với Hội đồng thẩm định, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM và tác giả sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều. Tất cả thống nhất tiếp thu tối đa ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.
Bộ Giáo dục đã yêu cầu nhà Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính kịp thời, thuận lợi cho giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học.
“Mặc dù việc chỉnh sửa, hiệu đính SGK vẫn thường xuyên được thực hiện đối với các SGK trước đây, việc để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về một số điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định và tác giả”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu trong báo cáo.
Trong đó, Bộ Giáo dục thừa nhận công tác truyền thông về việc triển khai thực hiện chương trình, SGK mới chưa tốt, việc phản hồi các phản ánh về những điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều chưa kịp thời.
Giá sách mới cao gấp đôi sách cũ
Báo cáo một số vấn đề về chương trình, SGK mới, Bộ Giáo dục cho biết SGK lớp 1 mới có giá cao hơn sách cũ.
Theo báo cáo, Bộ trưởng GD&ĐT đã phê duyệt, cho phép sử dụng 46 SGK thuộc 5 bộ SGK lớp 1 của 3 nhà xuất bản.
“Việc có nhiều bộ SGK đã tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh lựa chọn và khắc phục tình trạng độc quyền SGK như trước đây”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu trong báo cáo.
Tuy nhiên, vấn đề là giá bộ SGK lớp 1 mới cao gấp đôi so với giá bộ SGK lớp 1 cũ. Cụ thể, các bộ SGK lớp 1 mới có giá 179.000-194.000 đồng/bộ, trong khi SGK lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng.
Nguyên nhân được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ ra là do nội dung SGK lớp 1 mới có số trang nhiều hơn, khổ rộng hơn, in giấy tốt hơn, mực in đảm bảo hơn.
Ngoài ra, các bộ SGK lớp 1 mới được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí như SGK lớp 1 cũ khiến giá thành cao hơn.
Bộ Giáo dục đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước đối với SGK.
Trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, Bộ Giáo dục chỉ đạo các nhà xuất bản biên soạn SGK tinh giản nội dung không cần thiết để giảm số trang SGK, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục quán triệt nghiêm việc biên soạn SGK sử dụng được nhiều lần.
Bộ Giáo dục cũng đánh giá chương trình môn Tiếng Việt ở lớp 1 nặng. Nguyên nhân một phần do chương trình mới, với quan điểm học sinh đọc thông, viết thạo sẽ học tốt hơn các môn học khác, đã cơ cấu thời gian đầu của cấp Tiểu học, học sinh học Tiếng Việt nhiều hơn.
Bộ đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn để không gây quá tải; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập tại lớp và không giao thêm bài tập về nhà.
Cũng theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, vừa qua có tình trạng "ép" học sinh mua sách tham khảo.
Bộ Giáo dục khẳng định đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình; không được "ép" học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, một số trường ở vài địa phương vẫn để xảy ra tình trạng giáo viên lập danh mục sách tham khảo kèm theo SGK gửi cho cha mẹ học sinh để đăng ký mua "tự nguyện", gây bức xúc trong dư luận.
Vì vậy, Bộ Giáo dục đang rà soát quy định để quản lý chặt chẽ hơn, trong đó nghiêm cấm việc "ép" học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào và có chế tài mạnh hơn đối với các trường hợp vi phạm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-giao-duc-nhan-trach-nhiem-vu-sgk-canh-dieu-post1145524.html