Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học nhằm lấy ý kiến góp ý.
Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh từ năm học 2020-2021 Việt Nam sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018), bắt đầu từ lớp 1 cấp tiểu học. Chương trình này với sự thay đổi về mục tiêu giáo dục (chuyển từ nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh), có thêm một số môn học/hoạt động giáo dục mới, nên tác động trực tiếp đến nội dung, hình thức tổ chức-phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá người học.
Những điểm kế thừa từ Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT
Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học áp dụng cho chương trình GDPT mới kế thừa quan điểm “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh” của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.
Theo đó, công tác đánh giá cần coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. Dự thảo Thông tư quy định “Không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh”.
Việc đánh giá học sinh ở dự thảo Thông tư mới, tiếp tục được thực hiện theo quy trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ và tổng hợp đánh giá. Trong đó, đánh giá thường xuyên được thể hiện bằng lời hoặc viết nhận xét; đánh giá định kì thể hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Cùng với giáo viên, các học sinh và phụ huynh đều được tham gia vào đánh giá học sinh tiểu học.
Những điểm mới
Để thống nhất với quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, dự thảo điều chỉnh hệ thống tên các môn học/hoạt động giáo dục và nội dung từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi.
Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực thông qua những phẩm chất chủ yếu là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; những năng lực cốt lõi là: (1) năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo và (2) năng lực đặc thù: Ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.
Dự thảo bổ sung quy định về “Nội dung và Phương pháp đánh giá”, đảm bảo đúng thành phần theo lý thuyết khoa học về đánh giá. Quy định này giúp định hướng cho giáo viên các phương pháp, cách thức tiến hành trong quá trình đánh giá học sinh, phù hợp với lứa tuổi tiểu học và cụ thể hóa Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Quy định về “tổng hợp đánh giá và xếp loại chất lượng giáo dục”, quy định về “hồ sơ đánh giá”, cùng những điểm mới của Dự thảo Thông tư. Điều này nhằm tường minh hóa quá trình đánh giá, đồng thời đảm bảo kết cấu chặt chẽ, hợp logic về mặt hình thức, tạo thành quy trình hoàn chỉnh trong đánh giá gồm đủ các hình thức: đánh giá thường xuyên; đánh giá định kỳ; tổng hợp đánh giá; xếp loại chất lượng giáo dục; sử dụng kết quả đánh giá. Trong đó, lưu tâm đến quy định học bạ điện tử được sử dụng tại mỗi cơ sở giáo dục phổ thông.
Thay vì thể hiện bằng 4 mức độ đối với các câu hỏi/bài tập trong bài kiểm tra định kì, dự thảo Thông tư mới chỉ sử dụng 3 mức độ là “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành” và “Chưa hoàn thành”. Điều này nhằm đảm bảo thống nhất với cấp học trên, phù hợp với cách tiếp cận của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình biên soạn các câu hỏi/bài tập để xây dựng đề kiểm tra định kì.
Trong quy định về khen thưởng học sinh, Dự thảo có đề cập đến hình thức “thư khen”. Cụ thể, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt. Điều này nhằm động viên kịp thời học sinh, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, TS Thái Văn Tài cho biết: “Các quy định trong Dự thảo không làm tăng khối lượng công việc của giáo viên và học sinh. Đồng thời với các nội dung quy định tường minh về phương pháp, kỹ thuật, quy trình đánh giá, sẽ giúp giáo viên tiếp cận, triển khai hệ thống, bài bản, khoa học và giảm được thời lượng dành cho việc đánh giá, để tập trung vào quá trình giảng dạy”.