Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: 'Thử lửa' cho ngành giáo dục
Bộ GD&ĐT quyết định vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, trừ hai tỉnh (Đà Nẵng, Quảng Nam) và các thí sinh diện F1, F2 được cho là 'cân não', nhưng hoàn toàn có cơ sở. Liệu các phương án đều đã được tính đến cho một kỳ thi an toàn, công bằng cho các thí sinh như dư luận đã mong đợi?
Phương án thích ứng với thực tế
Năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho việc học tập của học sinh gần như ngừng trệ, nhiều trường đã phải tạm đóng cửa, lên các phương án bồi dưỡng kiến thức khác cho học sinh, thậm chí, nhiều thời điểm dư luận tưởng chừng như công tác thi tốt nghiệp THPT không thể tiến hành. Khi đó, phương án xét tốt nghiệp được dư luận đặt ra như đã từng xét tốt nghiệp cho học sinh trong thời chiến tranh trước đây… Tuy nhiên, ngành giáo dục với phương châm “ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học” đã vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành nên đặt ra nhiều thử thách cho ngành Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Trinh Phúc
Theo kế hoạch, chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được tổ chức. Nhưng lúc này, dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát trở lại ở mức độ lây lan nhanh hơn đợt dịch trước đây. Đây được coi là một thử thách lớn đối với công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nên hoãn kỳ thi tốt nghiệp, xét tốt nghiệp cho học sinh để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn quyết định tổ chức kỳ thi, với phương án được đưa ra là các địa phương không nguy cơ cao thì tổ chức thi theo kế hoạch, còn lại các địa phương có nguy cơ cao (như Đà Nẵng, Quảng Nam) và thí sinh F1, F2 thi vào đợt 2. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc không thi mà xét tốt nghiệp mặc dù dễ thực hiện, nhưng sẽ làm tăng áp lực cho các thí sinh có nguyện vọng thi tuyển vào các trường đại học.
Bàn về phương án thi của Bộ GD&ĐT, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: “Đây là phương án tôi hoàn toàn ủng hộ, bởi chỉ có như vậy mới đáp ứng được mọi nguyện vọng của phụ huynh và học sinh ở cả trong và ngoài vùng dịch”. Trong khi đó, thầy Trần Đình Sử cho rằng, Bộ GD&ĐT có nhiều kinh nghiệm, nhất là trong thời gian gần đây dịch bệnh có diễn biến thay đổi đột ngột, cho nên Bộ GD&ĐT rất chủ động trong việc ứng phó tình huống.
Đã có các phương án cho nhiều kịch bản khác nhau
Để hiểu hơn về công tác tổ chức thi tại địa phương, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận (NB&CL) đã trao đổi với Giáo sư Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An.
Theo đó, hiện công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp của tỉnh này đã bài bản, đầy đủ. Trong phòng thi sẽ bố trí giãn cách đúng quy định. Mỗi phòng thi có 24 thí sinh nên giãn cách rất an toàn. Hiện tâm lý học sinh Nghệ An thích thi. Bởi học sinh trong tỉnh đã ôn thi cả quá trình dài. Các em mong thi để khẳng định năng lực và xét vào đại học, học sinh đi du học cũng muốn được thi. Tâm lý chung của học sinh là muốn thi dứt điểm, không kéo dài vì kéo dài càng căng thẳng, mệt mỏi.
Đã có Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh minh họa
Cũng liên quan đến công tác tổ chức thi, trao đổi với phóng viên Báo NB&CL, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị chia sẻ, tỉnh đang gấp rút chuẩn bị những khâu cuối cùng cho kỳ thi. Hiện các phòng thi và điểm thi dự phòng cũng đã được bố trí xong. Các phương án đã được tính toán kỹ lưỡng nên học sinh yên tâm tham gia thi. Do Quảng Trị có những học sinh đi từ vùng dịch về, với các em này tỉnh sẽ ưu tiên test nhanh và có phương án đảm bảo an toàn. Hiện nay, công tác bố trí ăn ở cho giáo viên, cán bộ làm công tác thi cũng đang được tính toán chu đáo.
Tỉnh Thái Bình là một trong 9 tỉnh có trường hợp dương tính với Covid-19, cho nên việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020 cũng đặt ra nhiều thách thức. Khi trao đổi với phóng viên Báo NB&CL, ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cho rằng, các công đoạn tổ chức thi tốt nghiệp của tỉnh đang ở giai đoạn cuối. Sở đang thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, của Bộ GD&ĐT để đảm bảo khi chỉ đạo của Bộ có điều chỉnh thì tỉnh cũng sẵn sàng đáp ứng được các phương án.
Do Thái Bình có ca dương tính với Covid-19, cho nên tỉnh đang tổ chức phong tỏa một thôn trong đó có 7 em học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp. Với các học sinh đang nằm trong khu vực bị phong tỏa, cách ly tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo test nhanh cho 7 học sinh này. Nếu các thí sinh này không phải diện F1, F2 và âm tính thì bố trí cho các em thi tại hội đồng thi gần nhất. Khi thi thì các em được bố trí tại phòng riêng. Việc đi lại từ nơi phong tỏa đến khu vực thi sẽ được bố trí xe chuyên dụng chuyên chở.
Cũng là tỉnh có bệnh nhân nhiễm Covid-19, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết đơn vị này đang phối hợp cùng các ngành rà soát thí sinh dự thi THPT để phân loại tổ chức kỳ thi năm 2020. Theo ông Khoa, những thí sinh thuộc diện F1, F2 sẽ được Sở bố trí thi đợt sau. Thí sinh còn lại vẫn thi theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT.
Đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp có phần phức tạp hơn. Ngoài việc khử khuẩn, trang bị các thiết bị y tế, máy đo thân nhiệt tại các điểm thi thì Hà Nội cũng bố trí lực lượng phản ứng nhanh trong các tình huống khẩn cấp. Theo ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã có phương án và sẵn sàng xe y tế đưa thí sinh đến điểm thi cách ly. Ngoài ra, mỗi điểm thi bố trí hai phòng thi dự phòng để cho thí sinh nghi ngờ có biểu hiện mắc bệnh. Hà Nội có thêm 1 điểm thi cách ly tập trung của thành phố đó là Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Liên quan đến công tác tổ chức thi, trao đổi với phóng viên Báo NB&CL, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, Đà Nẵng, Quảng Nam lùi kỳ thi tốt nghiệp là đúng. Còn các tỉnh còn lại thì vẫn cần tổ chức thi. Đồng quan điểm, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, các tỉnh còn an toàn thì cần thiết phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp chứ không thể lùi kế hoạch. Bởi tháng 9, tháng 10 không chắc dịch bệnh đã được đẩy lùi. Hơn nữa việc phân nhóm đối tượng dự thi đã bảo đảm quyền lợi của thí sinh, cũng như bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.
Qua trao đổi với các chuyên gia và các Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh có thể thấy đến nay công tác chuẩn bị thi đã được hoàn thành. Mọi phương án đã được tính đến, do đó một kỳ thi an toàn, công bằng cho các thí sinh là điều mà dư luận đặt niềm tin.