Bộ Giao thông Vận tải chính thức công bố quy hoạch đường sắt
Chiều 01/11, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại lễ công bố, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ tháng 02/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức lựa chọn Tư vấn và tiến hành lập quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực đường sắt.
Cơ quan lập quy hoạch đã tiến hành khảo sát thực địa, điều tra, thu thập số liệu nhằm đánh giá thực trạng kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; Làm việc trực tiếp và lấy ý kiến thống nhất với các địa phương có liên quan về một số định hướng lớn của quy hoạch. Cùng đó, tổ chức nhiều hội thảo để xin ý kiến của các địa phương, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia và các nhà khoa học. Kết quả nghiên cứu quy hoạch mạng lưới đường sắt đã đánh giá thẳng thắn các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm trong thời gian tới. Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện công phu, nghiêm túc, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục của Luật Quy hoạch. Đến nay, Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769 ngày 19/10/2021.
Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030 thực hiện cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện có; Quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362km. Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354km. Riêng giai đoạn đến 2030, nghiên cứu triển khai kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành toàn bộ 5/37 quy hoạch ngành quốc gia. Trong đó, quy hoạch đường sắt là quy hoạch thứ ba được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau quy hoạch mạng lưới đường bộ và quy hoạch hệ thống cảng biển.
Với việc cùng lúc xây dựng 5 quy hoạch giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành rà soát, đánh giá sự phát triển các loại hình vận tải thời gian qua, cùng đó xác định tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, từ đó đưa ra các quy hoạch chuyên ngành phù hợp.
Việt Nam có bờ biển dài, đường sắt chạy song song với bờ biển. Do đó, đối với vận tải hàng hóa Bắc - Nam, vận tải biển ven bờ sẽ được ưu tiên nhất vì có thể vận chuyển được khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, chi phí thấp. Cùng đó, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, đầu tư các tuyến đường sắt kết nối cảng biển lớn để vận tải hàng hóa.
Đối với vận tải hành khách, Bộ Giao thông Vận tải tham mưu với Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ là sẽ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để vận chuyển hành khách, cạnh tranh với hàng không.
Quy hoạch đã đề ra hướng đầu tư đường sắt kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia, trong đó trước tiên sẽ đầu tư đường sắt kết nối ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) tạo thuận lợi cho hàng hóa từ Việt Nam đi thẳng châu Âu. Cùng đó, đầu tư đường sắt kết nối cảng biển, cảng hàng không...
“Với quy hoạch đường sắt, chúng ta có được bức tranh toàn diện, không chỉ cải tạo đường sắt hiện hữu, mà còn xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt kết nối để làm sao khai thác tốt vận tải hàng hóa, hành khách. Sau khi quy hoạch được công bố, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch. Trong đó, xây dựng quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, chi tiết hơn, lộ trình cụ thể hơn. Đồng thời đề xuất với Chính phủ cơ chế huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước như vốn ODA, vốn các nhà đầu tư, vốn xã hội để thực hiện quy hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thêm.