Bộ Giao thông Vận tải làm gì để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công?

Bộ Giao thông Vận tải tăng cường đi kiểm tra hiện trường, trực tiếp chỉ đạo điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu đẩy nhanh thi công, tăng tốc giải ngân.

Nhà thầu thi công một dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhà thầu thi công một dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nếu công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu cung cấp thi công dự án được khơi thông, Bộ Giao thông Vận tải có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay mà Thủ tướng Chính phủ giao.

Mặt bằng, vật liệu “níu chân” dự án giao thông

Khẳng định sau khi có các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật của các dự án cần hoàn thành năm 2025 vẫn chưa hoàn thành theo tiến độ yêu cầu.

Cụ thể, tính đến đầu tháng Tám, dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu qua địa phận tỉnh Đồng Nai mới đạt lần lượt là 25% và hơn 42%. Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ bàn giao mặt bằng dự án thành phần 3 qua Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt 40%, qua tỉnh Bình Dương đạt 89%.

Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang qua tỉnh Tuyên Quang mới đạt gần 76%; tỉnh Lạng Sơn mới bàn giao 15% tại Dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, bàn giao hơn 14% cho Dự án cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng; Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu qua tỉnh Tiền Giang cũng mới đạt 82%...

Đảm bảo tiến độ thi công các dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật trong tháng Tám này đối với các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 (cao tốc Bắc-Nam phía Đông, trục Đông-Tây, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang-Hà Giang, Hòa Liên-Túy Loan).

“Các tỉnh cũng cần khẩn trương thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án theo quy định. Trường hợp khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.

Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường cho các dự án giao thông, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, tỉnh Tiền Giang cần cung ứng gần 16 triệu m3 cát cho các dự án cao tốc (Cần Thơ-Cà Mau, dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Cao Lãnh-An Hữu, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất và Gò Quao-Vĩnh Thuận). Tỉnh Bến Tre cung ứng gần 7,4 triệu m3 cho các dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

 Nguồn vật liệu cát đắp nền đường vẫn chưa đáp ứng đủ để nhà thầu đẩy nhanh thi công tại dự án giao thông trọng điểm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nguồn vật liệu cát đắp nền đường vẫn chưa đáp ứng đủ để nhà thầu đẩy nhanh thi công tại dự án giao thông trọng điểm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai các thủ tục chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang đang triển khai thủ tục cấp mỏ nhưng khó bảo đảm tiến độ hoàn thành trong tháng Tám này. Một số địa phương khác như An Giang chưa hoàn thành thủ tục điều phối, Đồng Tháp chưa nâng công suất, tỉnh Vĩnh Long chưa hoàn thành cấp phép khai thác mỏ trong tháng Bảy vừa qua.

Đáp ứng nhu cầu vật liệu thi công các dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh trên chỉ đạo các sở, ngành sớm hoàn thành các thủ tục, đưa các mỏ vào khai thác cuối tháng 8/2024, bảo đảm cung ứng đủ khối lượng, nâng công suất khai thác, đáp ứng tiến độ thi công các dự án theo chỉ tiêu đã được giao.

Khẩn trương giải ngân

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến hết tháng 7/2024, đơn vị này đã giải ngân khoảng 30.794/62.604 tỷ đồng, đạt 49,2% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đã được giao, cao hơn so với mức tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (31,6%).

Ngay cả khi vừa được bổ sung hơn 13.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trong nước, với đà duy trì đẩy nhanh tiến độ tại các dự án vào những tháng cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải có thể giải ngân được khoảng 74.680 tỷ đồng, bằng 119% kế hoạch vốn được giao lần đầu.

Để có khối lượng giải ngân, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã tăng cường đi kiểm tra hiện trường, trực tiếp chỉ đạo điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, thiết bị, nguồn tài chính, thi công tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ có các chỉ đạo tháo gỡ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án khu vực phía Nam.

Trong bối cảnh sức ép về tiến độ thực hiện, giải ngân đang rất căng thẳng, tại các cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đều nhấn mạnh bất kỳ đơn vị nhà thầu nào không đáp ứng tiến độ, sẽ bị cảnh cáo, khiển trách, thậm chí là điều chuyển khối lượng, chấm dứt hợp đồng, đặc biệt tại các công trình trọng điểm như các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

 Nhà thầu thi công một hạng mục cầu trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhà thầu thi công một hạng mục cầu trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng khẳng định các ban quản lý dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ phải bổ sung đăng ký theo nhu cầu. Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là không hạn chế khối lượng đăng ký bổ sung.

Để có thể cán đích mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu tập trung giải quyết để tổ chức thi công các hạng mục có khối lượng lớn trước mùa mưa năm 2024; triển khai ngay việc tập kết các vật liệu làm móng, mặt đường; chỉ đạo nhà thầu phát huy và duy trì nhịp độ thi công, tăng cường thi công “3 ca 4 kíp” để bảo đảm kế hoạch đề ra.

Với các dự án có xử lý nền đất yếu, ban quản lý dự án/nhà thầu cần hoàn thành công tác đắp nền, gia tải trước tháng 10/2024, làm cơ sở hoàn thành dự án vào cuối năm 2025. Các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu bố trí đầy đủ nhân lực thực hiện công tác nội nghiệp (hồ sơ hoàn công, nghiệm thu, thanh toán); cải cách thủ tục, giảm bớt các khâu để kịp thời giải ngân cho nhà thầu thi công…/.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-giao-thong-van-tai-lam-gi-de-tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-post970243.vnp