Bỏ giấy chuyển tuyến đối với các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo: Giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí
Thông tư số 01/2025/TT-BYT (Thông tư 01) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực từ 1-1-2025. Theo đó, người bệnh được cơ sở y tế tuyến dưới xác nhận mắc bệnh lý thuộc danh mục 62 bệnh trong Thông tư 01 thì có thể tự lên khám ở bệnh viện tuyến trên hoặc bệnh viện chuyên sâu khác mà vẫn được hưởng quyền lợi BHYT đầy đủ.
Thuận lợi cho người bệnh
Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 01, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã có hướng dẫn thủ tục chuyển tuyến cho người bệnh với các danh mục bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.
BS-CK2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, khi áp dụng quy định mới, người bệnh được cơ sở y tế tuyến dưới xác nhận mắc bệnh lý thuộc danh mục 62 bệnh trong Thông tư 01 thì có thể tự lên khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy hoặc bệnh viện chuyên sâu khác mà vẫn được hưởng quyền lợi BHYT đầy đủ, không cần xin giấy chuyển tuyến.
“Giống như khi tiếp nhận một bệnh nhân cấp cứu, người bệnh (thuộc danh mục 62 bệnh) được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT mà không cần giấy chuyển tuyến. Tuy nhiên, người bệnh cần hiểu đúng về quy định mới của Bộ Y tế là chỉ áp dụng với 62 bệnh lý trong danh mục. Còn các bệnh lý ngoài danh mục vẫn phải đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định để được hưởng quyền lợi BHYT”, BS-CK2 Phạm Thanh Việt thông tin.
Còn tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đại diện lãnh đạo bệnh viện cho biết, trong số 62 nhóm bệnh được miễn giấy chuyển tuyến, đơn vị thường điều trị cho 9 nhóm bệnh ung thư. Để giải quyết quyền lợi BHYT, bệnh viện sẽ tạo điều kiện tối đa cho người bệnh; trong tình huống bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ thuộc các nhóm bệnh lý không phải xin phiếu chuyển tuyến thì vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT.
Tương tự, Bệnh viện K (Hà Nội) cũng đã ban hành quy định kể từ ngày 1-1-2025, người bệnh mắc bệnh u ác tính và u tân sinh tại chỗ được sử dụng Phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh trong thời hạn 1 năm. Người bệnh đã được cấp các giấy chuyển viện năm 2024 nhóm bệnh ung thư được hưởng BHYT tiếp đến đủ 1 năm từ ngày ký giấy chuyển viện.
Ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết, sau khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực và Bộ Y tế ban hành Thông tư 01, hiện 20.000 bệnh nhân BHYT đang điều trị tại bệnh viện không cần phải xin giấy chuyển viện trong năm mới. Đó là điều rất thuận lợi cho người bệnh, giảm các thủ tục không cần thiết.
Góp phần nâng chất lượng y tế
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đến hết năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt khoảng 94% dân số, số lượt khám chữa bệnh BHYT khoảng trên 180 triệu lượt người với số chi ước khoảng 142.000 tỷ đồng. Do đó, Thông tư 01 có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT và đồng bộ với các quy định mới của Luật Khám chữa bệnh và Luật BHYT sửa đổi, bổ sung.
“Thông tư 01 là văn bản quan trọng hướng dẫn việc đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển cơ sở khám chữa bệnh BHYT cho hơn 13.000 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai hiệu quả chính sách BHYT trong giai đoạn mới”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Làm rõ thêm về Thông tư 01, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), nhấn mạnh, trong thông tư, lần đầu tiên nhiều bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được 100% mức hưởng theo phạm vi, quyền lợi người bệnh được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không phải có phiếu chuyển. Trong đó, bao gồm: 62 bệnh, nhóm bệnh hiếm, hiểm nghèo được khám chữa bệnh tại cơ sở chuyên sâu; 167 bệnh, nhóm bệnh được khám chữa bệnh tại cơ sở cấp cơ bản; 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở khám chữa bệnh trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ký phiếu chuyển…
Đây là quy định có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai. Qua đó góp phần làm giảm chi tiền túi của hộ gia đình liên quan đến khám chữa bệnh và góp phần sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
Cùng với đó, Thông tư 01 cũng quy định việc sử dụng Phiếu hẹn khám lại, Phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh bằng cả bản giấy và bản điện tử được thí điểm tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) của Bộ Công an.
“Việc triển khai Phiếu chuyển cơ sở khám chữa bệnh BHYT điện tử và Phiếu hẹn khám lại điện tử sẽ giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển cơ sở khám chữa bệnh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho cả người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh...”, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.
Nâng cao năng lực y tế tuyến dưới
Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thời gian qua, ngành y tế thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở nhằm giảm tải cho tuyến trên, tạo được sự tin tưởng của người dân. Các bệnh viện tuyến quận huyện không ngừng triển khai nhiều kỹ thuật mới, tăng cường hội chẩn với tuyến trên, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, một số bệnh viện đầu ngành đã hỗ trợ chuyên môn nhằm nâng cao năng lực của cơ sở khám chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến dưới; mở rộng ký kết hợp tác toàn diện với Sở Y tế các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL, duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm... hướng tới mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện thành phố và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe người dân trong khu vực.