Bộ GTVT được giao tìm mọi cách trước khi đề xuất Nhà nước bỏ tiền mua lại các dự án BOT

Bộ GTVT làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp và các bên cung cấp vốn để đàm phán trên nguyên tắc 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ', trước khi trình Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép lấy tiền Nhà nước mua lại các dự án BOT.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về đề án xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông.

Theo đó, Bộ GTVT được yêu cầu tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thường trực Chính phủ và phát biểu của các cơ quan tại cuộc họp ngày 11-6 vừa qua. Song song đó, rà soát ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà để hoàn thiện đề án.

Trong đó, Thường trực Chính phủ lưu ý Bộ GTVT rà soát bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại thông báo 1834/2022. Đồng thời, phối hợp với các địa phương có dự án BOT đang đề xuất xử lý bất cập để rà soát, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng khó khăn, vướng mắc của các dự án.

Bộ GTVT cũng phải bổ sung đầy đủ thông tin đối với các dự án BOT do địa phương quản lý. Rà soát các quy định trong hợp đồng BOT để xác định cụ thể trách nhiệm chủ quan, khách quan của các chủ thể… trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp giải quyết phù hợp.

 Bộ GTVT đang đề xuất mua lại các dự án BOT thua lỗ. Ảnh: V.LONG

Bộ GTVT đang đề xuất mua lại các dự án BOT thua lỗ. Ảnh: V.LONG

Bộ GTVT và các tỉnh cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nghiên cứu sử dụng tối đa các quy định, công cụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ, địa phương mà trước hết là trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GTVT, các địa phương có dự án để đưa ra giải pháp giải quyết cụ thể cho từng dự án.

“Chỉ đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách Nhà nước để xử lý bất cập trạm BOT khi các giải pháp khác không khả thi…” - Thường trực Chính phủ lưu ý.

Trường hợp thực sự cần thiết phải trình Quốc hội ban hành Nghị quyết xử lý các dự án BOT phải xem xét các dự án đã hoàn thành, nhưng không đặt được trạm thu phí, ưu tiên đề xuất về cơ chế, chính sách để đa dạng hóa nguồn lực, giảm sử dụng vốn nhà nước khi xử lý. Đồng thời, các bên phải xác định rõ thời hạn áp dụng, số lượng, danh mục dự án cụ thể…

Bộ GTVT và các tỉnh phải đánh giá kỹ tác động của các cơ chế, giải pháp đề xuất, bảo đảm không tạo tiền lệ, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

Trường hợp đề xuất sử dụng ngân sách Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, Bộ GTVT phải xác định được giá trị thuộc trách nhiệm nhà nước phải thanh toán, sử dụng nguồn nào và thẩm quyền quyết định. Các bên có trách nhiệm chia sẻ tối đa rủi ro theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

“Bộ GTVT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc với Nhà đầu tư, doanh nghiệp và các bên cung cấp vốn để đàm phán theo hướng không có lợi nhuận vốn chủ sở hữu và không tính lãi vay trong giá trị dự kiến đề nghị thanh toán…” - Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

Trước đó, vào ngày 8-3, Bộ GTVT lần thứ ba đề xuất Chính phủ bố trí 10.650 tỉ đồng hỗ trợ 8 dự án BOT gặp khó khăn do thay đổi chính sách hoặc bị người dân phản đối.

Tám dự án nêu trên được đầu tư xây dựng giai đoạn trước năm 2015 và được chia làm ba nhóm.

Nhóm 1, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước hơn 1.550 tỉ đồng cho hai dự án doanh thu sụt giảm, không có khả năng phục hồi. Đó là dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam 3 năm liền doanh thu chỉ đạt 15-19% so với hợp đồng và dự án cầu Việt Trì - Ba Vì 3 năm qua doanh thu chỉ đạt khoảng 30%.

Nhóm 2, Nhà nước hỗ trợ 2.280 tỉ đồng đối với dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân). Dự án này trước đây Nhà nước cho phép thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan thay cho nguồn hỗ trợ của Nhà nước, song sau đó nhà đầu tư không được thu phí.

Nhóm 3, Nhà nước bố trí thanh toán cho nhà đầu tư khoảng 6.810 tỉ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 5 dự án gồm: BOT cầu Bình Lợi; dự án BOT đường vành đai phía tây TP Thanh Hóa; dự án BOT nâng cấp và cải tạo quốc lộ 91 TP Cần Thơ; dự án BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo quốc lộ 3; dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đăk Lăk.

Bộ GTVT kiến nghị trích 10.650 tỉ đồng từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2023 để thực hiện. Trường hợp không thể cân đối, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn để xử lý.

Hiện Chính phủ đang giao Bộ GTVT lập đề án về việc xử lý vướng mắc các dự án BOT trình Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-gtvt-duoc-giao-tim-moi-cach-truoc-khi-de-xuat-nha-nuoc-bo-tien-mua-lai-cac-du-an-bot-post796996.html