Bộ GTVT hướng dẫn Hưng Yên đầu tư đường cao tốc Chợ Bến-Yên Mỹ
Bộ GTVT hướng dẫn UBND tỉnh Hưng Yên đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Chợ Bến - Yên Mỹ. Tuyến có điểm đầu tại đường vành đai 5, điểm cuối tại đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tổng chiều dài khoảng 45 km.
Vừa qua, Bộ GTVT có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư đường bộ cao tốc Chợ Bến – Yên Mỹ, đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Xét kiến nghị trên, tại Văn bản 6942/VPCP-CN ngày 14/10/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn UBND tỉnh Hưng Yên về việc đầu tư xây dựng đường bộ có liên quan đến tuyến đường cao tốc Chợ Bến - Yên Mỹ, đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên,bảo đảm đúng thẩm quyền, theo đúng quy định pháp luật.
Theo Bộ Giao thông vận tải, căn cứ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, đường cao tốc Chợ Bến - Yên Mỹ (CT.14) có điểm đầu tại đường vành đai 5, điểm cuối tại đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tổng chiều dài khoảng 45 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2018 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt
Công văn số 6941/VPCP-CN ngày 14/10/2022 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý với ý kiến của Bộ Tư pháp về việc tạm thời chưa sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt để chưa phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện gác chắn đường ngang và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông tại đường ngang.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tổng kết việc thực hiện Luật Đường sắt, tiếp tục đánh giá công tác quản lý đường ngang, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan (Bộ Giao thông vận tải, UBND các cấp, doanh nghiệp đường sắt) trong thực hiện gác chắn đường ngang và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông tại đường ngang trên địa bàn đường sắt đi qua;
Đánh giá nguồn lực, năng lực tiếp nhận phân cấp của địa phương và ảnh hưởng của phân cấp đến hoạt động của doanh nghiệp đường sắt; trường hợp cần thiết, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt và Nghị định số 56/2018/NĐ-CP./.