Bộ GTVT: Nhà dân dày đặc 2 bên, rất khó nâng cấp mở rộng Quốc lộ 5
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hành lang hai bên tuyến Quốc lộ 5 dân cư sinh sống dày đặc và một bên có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy song song nên việc nâng cấp mở rộng sẽ có chi phí GPMB rất lớn, gây ra các tác động tiêu cực.
Theo Bộ GTVT hành lang hai bên tuyến Quốc lộ 5 dân cư sinh sống dày đặc nên việc nâng cấp mở rộng sẽ có chi phí GPMB rất lớn, gây ra các tác động tiêu cực. Ảnh: TL
Hiện tuyến Quốc lộ 5 có quy mô đường cấp II, 4 - 6 làn xe với nền đường rộng 22m, đang giao nhà đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI) quản lý, khai thác đoạn Km11+135 - Km92+460.
Đoạn còn lại đã giao Thành phố Hà Nội và TP Hải Phòng quản lý, khai thác như đường đô thị. Quốc lộ 5 là tuyến đường huyết mạch, quan trọng nối thành phố Hải Phòng với Thủ đô Hà Nội, chiều dài khoảng 102km.
Theo điểm a mục 1 phần III của Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/2/2013, tuyến Quốc lộ 5 được duy trì tiêu chuẩn đường cấp II, 4 làn xe.
Vì vậy Bộ GTVT không có chủ trương cải tạo, nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 5 do tuyến đường đã được đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT đường bộ, các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các địa phương dọc tuyến đường.
Mặt khác hiện cơ bản hành lang hai bên tuyến Quốc lộ 5 đã bị đô thị hóa, các cơ quan, dân cư sinh sống dày đặc hai bên và một bên có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy song song nên việc mở rộng tuyến Quốc lộ 5 sẽ có chi phí GPMB rất lớn, gây ra các tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân sinh sống hai bên tuyến đường.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bộ GTVT đã đầu tư, đưa vào khai thác tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quy mô 6 làn cao tốc tạo nên tuyến cao tốc hiện đại, huyết mạch kết nối thủ đô Hà Nội với cảng quốc tế Hải Phòng.
Thời gian lưu thông trên tuyến cao tốc giảm đi khoảng 1,5 giờ so với giờ lưu thông tuyến Quốc lộ 5, tạo điệu kiện cho các phương tiện có thể lựa chọn tuyến đường để di chuyển tùy thuộc khả năng, điều kiện kinh tế, yêu cầu về thời gian của chủ phương tiện chuyên chờ hàng hóa, hành khách.
Tuyến Quốc lộ 5 cùng với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã và đang đáp ứng nhu cầu vận tải cả hiện tại và tương lai trên hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đối với các đoạn trên tuyến Quốc lộ 5 bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mấy an toàn giao thông, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo nhà đầu tư VIDIFI quan tâm quản lý, duy tu nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường huyết mạch này.
Trước đó, cử tri tỉnh Hải Dương phản ánh hiện nay lượng phương tiện tải trọng lớn thường xuyên lưu thông trên tuyến Quốc lộ 5 làm cho mặt đường ở một số nơi bị xuống cấp nghiêm trọng.
Mặc dù đã được khắc phục, sửa chữa song vẫn không đảm bảo tiêu chuẩn, vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Do đó đề nghị Bộ GTVT sớm có phương án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 5 để đảm bảo giao thông an toàn.