Bộ GTVT nói gì về phương án mở rộng quy mô đội tàu bay của Vietravel Airlines
Trong giai đoạn hiện nay tới năm 2030, việc điều chỉnh tăng thêm số lượng tàu bay của Vietravel Airlines lên 50 tàu bay cần phải phù hợp với tiến độ triển khai các dự án xây mới và nâng cấp các sân bay hiện hữu.
Đây là quan điểm của Bộ GTVT trong công văn vừa được gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ sự phù hợp của đề xuất điều chỉnh Dự án vận tải hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn đề nghị Bộ GTVT cho ý kiến đánh giá bổ sung để làm rõ sự phù hợp của đề xuất điều chỉnh Dự án vận tải hàng không Lữ hành Việt Nam với Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.
Theo Bộ GTVT, vào đầu tháng 4/2023, Bộ này đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tham gia ý kiến thẩm định hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Lữ hành Việt Nam.
Trong đó, Bộ GTVT đã nêu rõ về nhu cầu thị trường trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới; những khó khăn, vướng mắc đối với hạ tầng tại một số cảng hàng không sân bay và việc đảm bảo đáp ứng cơ sở hạ tầng hàng không.
Hiện tại cơ sở hạ tầng một số cảng hàng không đang trong tình trạng quá tải và còn tồn tại tình trạng ùn tắc, chậm chuyến. Không chỉ ùn tắc cục bộ tại các khu vực cảng hàng không như nhà ga đi và đến, đường cất/hạ cánh, khu vực sân đỗ … mà ùn tắc cả ở giao thông tiếp cận cảng hàng không, khu vực bãi đỗ ô tô.
Trong Quyết định số 648/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung thêm 2 cảng hàng không là Biên Hòa và Thành Sơn. Việc điều chỉnh này góp phần bổ sung năng lực vận tải hàng không và đáp ứng nhu cầu phát triển đội tàu bay, mạng bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay tới năm 2030, việc điều chỉnh tăng thêm số lượng tàu bay của Viettravel Airlines lên 50 tàu bay cần phải phù hợp với tiến độ triển khai các dự án xây mới và nâng cấp các cảng hàng không đã được phê duyệt trong Quyết định số 648/QĐ-TTg nêu trên.
Trước đó, trong văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay tới năm 2030, việc điều chỉnh tăng thêm số lượng tàu bay của Vietravel Airlines lên 50 tàu bay cần phải phù hợp với tiến độ triển khai các dự án xây mới và nâng cấp các cảng hàng không đã được phê duyệt trong Quyết định số 648/QĐ-TTg, do đó đề nghị cân nhắc việc chấp thuận cho Vietravel Airlines tăng quy mô đội tàu bay trong giai đoạn này.
Vào cuối tháng 4/2022, Vietravel Airlines đã gửi văn bản đề nghị điều chỉnh Dự án vận tải hàng không lữ hành tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đến tháng 10/2022, tân binh của ngành vận tải hàng không chính thức có đề xuất xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tới các bộ, ngành liên quan. Có ba nội dung chính yếu mà Vietravel Airlines xin thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 457/QĐ-TTg ngày 3/4/2020.
Nội dung đầu tiên là việc Vietravel Airlines xin điều chỉnh tên nhà đầu tư từ Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam thành Công ty cổ phần Hàng không lữ hành Việt Nam. Nội dung thứ hai liên quan đến quy mô Dự án vận tải hàng không lữ hành.
Tại Quyết định số 457, số tàu bay khai thác năm đầu tiên của Vietravel Airlines là 3 tàu bay, lượng tàu bay tăng dần đến năm thứ 5 là 8 chiếc, chủng loại là Airbus/Boeing hoặc tương đương. Trong hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Vietravel Airlines đề nghị sửa thành: số tàu bay khai thác năm đầu tiên là 3 tàu bay, tăng dần đến năm 2025 là 25 chiếc, đến năm 2030 là 50 chiếc.
Trong giai đoạn sau năm 2030, hãng muốn được phát triển quy mô đội tàu bay phù hợp với nhu cầu thị trường với chủng loại là Airbus/Boeing hoặc tương đương.
Nội dung quan trọng thứ ba là việc Vietravel Airlines xin tổng vốn đầu tư của Dự án vận tải hàng không lữ hành.
Tại Quyết định số 457, tổng vốn đầu tư Dự án là 700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 100% vốn đầu tư. Tại hồ sơ điều chỉnh Dự án, nhà đầu tư đề nghị nâng tổng vốn đầu tư gấp hơn 10 lần quy mô được duyệt (8.250 tỷ đồng), trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động và lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư.