Bộ GTVT nói gì về quy định bắt buộc mua bảo hiểm dân sự xe máy?
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự giúp chủ xe nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh nếu không may gây ra tai nạn giao thông.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bảo hiểm bắt buộc được pháp luật Việt Nam quy định đồng thời nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông.
Đây là nội dung tại Công văn của Bộ Giao thông Vận tải trả lời kiến nghị cử tri thành phố Hà Nội về đề nghị sửa đổi Luật Giao thông đường bộ theo hướng bỏ quy định bắt buộc phải trách nhiệm dân sự đối với xe máy.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bảo hiểm bắt buộc đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019 (khoản a điểm 2 Điều 8); Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (điểm d khoản 2 Điều 58); Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Nghị định số 214/2013/NĐ-CP ngày 20/12/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP; Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Nhìn nhận tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, để lại những hậu quả cũng như di chứng lớn, lâu dài cả về con người và vật chất, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng trong trường hợp người gây tai nạn không có khả năng chi trả khắc phục thiệt hại của những người khác hoặc thiệt hại với nạn nhân tai nạn giao thông... sẽ nảy sinh những vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến công bằng an sinh xã hội.
“Vì vậy, pháp luật đã quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bắt buộc đối với chủ xe cơ giới để nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, thể hiện rõ ý nghĩa nhân đạo của chính sách, bảo đảm nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân nhanh chóng khắc phục tổn thất về người và tài sản mà không phụ thuộc vào việc người gây tai nạn có khả năng chi trả hay không,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.
Ngoài ra, bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn giúp chủ xe, người điều khiển phương tiện nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh nếu không may gây ra tai nạn giao thông. Đây là bảo hiểm chi trả cho bên thứ ba chứ không phải trả cho người mua bảo hiểm và được thế giới đánh giá là chính sách an sinh-xã hội cần thiết.
Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận trong quá trình thực thi chính sách bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn đang bộc lộ một số bất cập cho người tham gia mua bảo hiểm. Đó là trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm không tư vấn, cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng bảo hiểm, điều khoản, biểu phí, mức trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới để từ đó hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm cũng như những việc cần làm để được chi trả bồi thường khi tai nạn xảy ra; ngay cả khi chủ phương tiện đã tham gia bảo hiểm thì quy trình, thủ tục đề nghị bảo hiểm chi trả còn rườm rà khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình đề nghị thanh toán chi trả bảo hiểm.
Thực hiện Nghị quyết số 106/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 và Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31/8/2020 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2020, Bộ Giao thông Vận tải đang được giao chủ trì xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) báo cáo Chính phủ trình Quốc hội./.