Bộ GTVT nói về 4 nhà đầu tư BOT chậm lắp thu phí tự động
Bộ GTVT khẳng định việc thu phí không dừng hướng tới sự hài lòng và thuận lợi cho người tham gia giao thông, đảm bảo sự minh bạch trong quá trình thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Ngày 8-7, Bộ GTVT phát đi thông tin về ký kết phụ lục hợp đồng triển khai thu phí tự động không dừng.
Theo đó, Bộ GTVT khẳng định việc triển khai áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí đường bộ là chủ trương phải thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội. Mục đích đáp ứng yêu cầu của xã hội, hướng tới sự hài lòng và thuận lợi cho người tham gia giao thông, đảm bảo sự minh bạch trong quá trình thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Để tháo gỡ các vướng mắc về phương án tài chính trong việc triển khai dự án thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (sau đây gọi là dự án), Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1317/2018 về việc triển khai dự án. Sau đó, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giai đoạn 1 (BOO1) gồm 44 trạm thu phí.
Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất tại các dự án và minh bạch trong việc tính chi phí quản lý thu phí tại các dự án BOT, Bộ GTVT đã có các văn bản đề nghị các nhà đầu tư dự án thu phí đường bộ căn cứ Quyết định số 136/2019 của Bộ GTVT và mẫu Phụ lục hợp đồng về việc triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng để cùng Bộ GTVT ký kết làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đến ngày 5-7, các nhà đầu tư BOT quản lý 40 trạm thu phí đã cơ bản thống nhất ký Phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT. Tuy nhiên, còn bốn nhà đầu tư chưa đàm phán ký kết Phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Phước Tượng – Phú Gia BOT (trạm Bắc Hải Vân); Công ty TNHH đầu tư 194 BOT QL1 – Cam Ranh (trạm Cam Thịnh); Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai (trạm Km1610+800 và trạm Km1667+470); Công ty TNHH BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp (trạm Cần Thơ – Phụng Hiệp).
“Hiện Bộ GTVT đang tiếp tục đàm phán với bốn nhà đầu tư nêu trên, đảm bảo tiến độ ký Phụ lục hợp đồng trước ngày 10-7 nhằm hoàn thành lắp đặt 44 trạm thu phí trong năm 2019 theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ…”, Bộ GTVT cho biết.
Liên quan đến thu phí không dừng, trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (BOO giai đoạn 1) với 23 trạm/132 làn ban đầu.
Tính đến tháng 5-2019, sau khi được phê duyệt bổ sung với tổng 44 trạm/605 làn; đã vận hành 23 làn, tổng số các làn phải lắp đặt là 490 làn, trong đó Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) lắp đặt 97 làn; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các Nhà đầu tư BOT lắp đặt 393 làn.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết hiện còn một số đơn vị, nhà đầu tư đang còn tâm lý đối phó, phải có giải pháp mạnh tay hơn.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc bộ nghiên cứu, có cơ chế giám sát đặc biệt đối với nhà cung cấp dịch vụ VETC, đưa ra một số nhiệm vụ mà VETC phải thực hiện theo lộ trình. Trong quá trình giám sát, nếu không đảm bảo kế hoạch, phải có giải pháp xử lý ngay, xem xét điều chuyển các trạm chậm thực hiện sang giai đoạn 2.
Đối với giai đoạn 2, Bộ trưởng yêu cầu cần nhanh chóng ký Phụ lục hợp đồng bổ sung thu phí tự động không dừng. Trong đó, chú ý các điều khoản hài hòa lợi ích các bên.
Bộ trưởng yêu cầu tháng 12-2019, tất cả các trạm sẽ thu phí không dừng, chủ phương tiện sẽ dán thẻ sử dụng, doanh thu sẽ tăng đột biến, vì vậy việc triển khai của nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn 2 sẽ thuận lợi hơn, triển khai nhanh hơn.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu bốn nhà đầu tư nêu trên triển khai thu phí không dừng trước ngày 10-7, nếu không sẽ dừng thu phí.
Tiếp đó, ngày 7-7, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam gửi kiến nghị lên Bộ GTVT phản ứng thông báo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Nguyên nhân, tổ chức này không đồng tình với cách thu phí không dừng hiện nay của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC) và việc ấn định phần trăm doanh thu phải trích lại từ doanh thu dự án BOT cho đơn vị vận hành ETC có bất cập…
Sáng 8-7, tại cuộc họp về thu phí không dừng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Đường bộ rút lại thông báo tạm dừng thu phí tại bốn dự án BOT. Đồng thời, ông Thọ chỉ đạo Vụ đối tác công tư (PPP) tính toán tỷ lệ trích lại cho nhà cung cấp dịch vụ ETC, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT.