Bộ GTVT ra công điện khẩn ứng phó với bão số 10
Bộ GTVT vừa ra công điện khẩn yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai nhân lực và thiết bị để đảm bảo giao thông trên một số tuyến tỉnh lộ trọng điểm và khu vực hay xảy ra lũ quét…
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 10 ngày 3/11, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão đang di chuyển tương đối chậm, khoảng 10 km/h, theo hướng Tây Tây Nam.
Khoảng 10 giờ hôm nay (3/11), bão số 10 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380 km về phía Đông Nam, sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Theo ông Khiêm, trong khoảng 24 giờ tới, bão có thể mạnh thêm một chút, nhưng vẫn giữ ở mức cấp 8-9, giật cấp 11.
Từ nay đến ngày mai (4/11), khu vực gần vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gió mạnh 6-7, giật cấp 8. Sau khi gần đất liền, bão gặp ma sát sẽ suy yếu dần với sức gió trên đất liền chỉ cấp 6-7, giật cấp 9.
Ông Khiêm cũng cảnh báo đợt mưa này có thể gây lũ lên báo động 2-3 trên sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở những địa phương này.
Để tập trung ứng phó với cơn bão số 10 và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Bộ GTVT đã có Công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn công trình xung yếu. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải hướng dẫn tàu thuyền khi rời cảng biết tình hình và hướng di chuyển của bão để các tàu biết khi hành trình không đi vào vùng nguy hiểm, phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương trong việc hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra. Chỉ đạo Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam điều động các tàu SAR đến chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ II, III và IV chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở; kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông. Tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu… để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.
Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước... Các đơn vị chủ động tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa, lũ của cơn bão số 9 và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; đặc biệt chú ý các công trình ở miền núi hay có lũ đột xuất.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đôn đốc các đơn vị Quản lý đường thủy nội địa kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, lũ gây ra; kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác PCTT và TKCN như tàu, thuyền, ca nô, phao, bè, cọc neo, trụ neo và phao neo, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu. Hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có lũ lớn, đảm bảo an toàn; tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia.
Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các Cảng hàng không, hãng hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến của siêu bão Goni (bão số 10) để có phương án đóng mở sân bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp và đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động bay.
Các Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị Quản lý và sữa chữa đường bộ, đường sắt… tập trung triển khai nhân lực, vật tư, máy móc và thiết bị để thực hiện đảm bảo giao thông và khắc phục hậu quả của cơn bão số 9, đảm bảo giao thông bước 1 trên một số tuyến tỉnh lộ trọng điểm.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 9 giờ ngày 3/11, mưa lũ và hoàn lưu sau bão số 9 đã làm 36 người chết gồm: Nghệ An 8, Quảng Nam 26 (Nam Trà My 17, Bắc Trà My 1, Phước Sơn 8), Gia Lai 1, Đắk Lắk 1; 58 người mất tích (Nghệ An 1, Quảng Nam 21 (huyện Nam Trà My 15, Phước Sơn 5, Hiệp Đức 1), Bình Định 23, Kon Tum 1, Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên-Huế) 12.
Theo Báo cáo nhanh của Bộ Giao thông Vận Tải, tính đến 9 h ngày 3/11, các tuyến Quốc lộ trong khu vực còn 36 điểm ách tắc giao thông, trong đó 3 điểm ngập ở Quốc lộ 46 và Quốc lộ 15; 33 điểm, sạt lở gồm: Quốc lộ 49 (Thừa Thiên-Huế) 5 điểm; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây 1 điểm tại Quảng Trị, 6 điểm tại Thừa Thiên-Huế; Quốc lộ 15D (Quảng Trị) 10 điểm; Quốc lộ 12A (Quảng Bình) 1 điểm; Quốc lộ 9B (Quảng Bình) 1 điểm; đường Trường Sơn Đông (Quảng Nam) 9 điểm; Quốc lộ16 (Nghệ An) 2 điểm; Quốc lộ 7B (Nghệ An) 1 điểm, Quốc lộ 46B (Nghệ An) 1 điểm.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, tính đến hết ngày 2/11, đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 153 xã. Hiện còn 52 xã mất điện tại 2 tỉnh gồm: Quảng Nam 12, Quảng Ngãi 40.