Bộ GTVT sửa nhiều quy định về đào tạo, sát hạch lái xe

Bộ GTVT bổ sung quy định về niên hạn xe tập lái và xe sát hạch, đồng thời bổ sung các yêu cầu bắt buộc đối với hạng bằng lái mới.

Bộ GTVT đang tiến hành lấy ý kiến các bộ ngành dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất nhiều thay đổi trong hoạt động đào tạo lái xe.

Lại bổ sung quy định niên hạn xe tập lái và xe sát hạch

Pháp luật hiện hành đang quy định khá rõ các hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe. Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1-1-2025 đã phân hạng lại bằng lái và các quy định về đào tạo lái xe.

Vì vậy, Bộ GTVT đang sửa các quy định về đào tạo, sát hạch lái xe. Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định về xe tập lái và xe sát hạch các hạng bằng lái mới là C1, C1E, hạng D1, D1E

Cạnh đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định về niên hạn sử dụng xe ô tô chở hàng và chở người với số lượng từ 9 người trở lên (không kể người lái xe). Theo đó, xe tập lái dùng để dạy lái xe và xe sát hạch các hạng C1, C, D1, D2 và D thuộc nhóm xe phải tuân thủ yêu cầu về niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, xe tập lái và xe sát hạch các hạng còn lại chưa quy định niên hạn.

 Theo quy định hiện hành xe tập lái và xe sát hạch chưa được quy định niên hạn. Ảnh: V.LONG

Theo quy định hiện hành xe tập lái và xe sát hạch chưa được quy định niên hạn. Ảnh: V.LONG

Trên thực tế các xe áp dụng niên hạn trong tập lái và sát hạch theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ chiếm số nhỏ, còn lại là xe không thuộc đối tượng áp dụng niên hạn. Trong khi người điều khiển phương tiện chưa đầy đủ kỹ năng điều khiển phương tiện nên khả năng xử lý tình huống đối với phương tiện cũ yếu, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trong quá trình thực hành lái xe.

Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng cần quy định niên hạn đối với tất cả xe tập lái và xe sát hạch, với thời gian hoạt động không quá 20-25 năm, tùy hạng bằng.

Cuối năm 2023, Bộ GTVT tiến hành sửa Nghị định 65/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định niên hạn đối với tất cả xe tập lái. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến, Bộ GTVT rút đề xuất này.

Nguyên nhân được cho là chờ Quốc hội thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, từ đó tổng kết rà soát để tránh điều chỉnh nhiều lần.

Cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho biết pháp luật hiện hành quy định, cơ sở đào tạo lái xe ô tô có lưu lượng đào tạo 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất hai sân tập lái xe theo quy định. Diện tích tối thiểu của sân tập lái: Hạng B1 và B2 là 8.000 m2; hạng B1, B2 và C là 10.000 m2; hạng B1, B2, C, D, E và F là 14.000 m2.

Thực tế triển khai thực hiện, số xe tập lái đào tạo thực hành trên sân tập lái tại một thời điểm (cách tính lưu lượng đào tạo) tối đa 80 xe hạng B tương đương với lưu lượng 400 học sinh. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều cơ sở đào tạo lái xe đầu tư xe tập lái, thuê giáo viên dạy lái đáp ứng yêu cầu về điều kiện theo quy định để đào tạo lái xe với lưu lượng trên 2.000 học viên nhưng không đầu tư sân tập lái đáp ứng lưu lượng đào tạo tương ứng.

Nguyên nhân, pháp luật hiện hành quy định về điều kiện sân tập lái đối với với cơ sở đào tạo lái xe với lưu lượng trên 1000 học viên chỉ mang tính định lượng nên khó khăn cho công tác quản lý hoạt động nói trên.

Vì vậy, để đảm bảo tính rõ ràng và minh bạch trong hoạt động đào tạo, Bộ GTVT đề xuất quy định cụ thể điều kiện sân tập lái cần đáp ứng cho mỗi đơn vị lưu lượng đào tạo, nhằm tránh tình trạng “lách luật” diễn ra trong thời gian vừa qua. Cụ thể, hạng B diện tích sân tập lái là 8.000 m2; hạng B và C1, C là 10.000 m2; hạng B, C1, C, D2, D1, D, BE, C1E, CE, D2E, D1E, DE là 14.000 m2.

Quy định niên hạn xe tập lái và sát hạch là cần thiết

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Bắc Hà (Bắc Ninh), khẳng định hiện nay xe ô tô dùng để đào tạo lái xe chưa quy định niên hạn, việc này giúp giảm chi phí hằng năm cho các cơ sở đào tạo.

Ngược lại, việc cơ quan chức năng quy định niên hạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư của các cơ sở đào tạo lái xe. Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị cần nhắc vì sẽ ảnh hưởng đến chi phí đào tạo lái xe.

Ngược lại, anh Trần Văn Tuấn, ngụ ở quận Thanh Trì (Hà Nội) ủng hộ quy định áp dụng niên hạn đối với xe tập lái và sát hạch. Theo anh Tuấn, nhiều xe ở các trung tâm sát hạch rất cũ nát, nhiều khi đang tập lái bỗng dưng chết máy giữa đường rất nguy hiểm. Hay nhiều người đi thi rớt chỉ vì xe sát hạch quá cũ.

“Tôi rất ủng hộ việc quy định xe tập lái và sát hạch phải có niên hạn để đảm bảo an toàn cho các người dạy và người lái…”- anh Tuấn nêu quan điểm.

Đại diện một Sở GTVT cho rằng việc quy định niên hạn đối với xe ô tô dùng cho việc sát hạch là cần thiết. Lý do là việc sử dụng ô tô cũ để cho học viên sát hạch gây mất an toàn, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện bài thi sát hạch của học viên.

“Dù trước các kỳ sát hạch có kiểm tra nhưng qua hai hoặc ba vòng thi sát hạch có thể phát sinh lỗi kỹ thuật do xe đã qua nhiều năm sử dụng, độ bền kém…”- vị này cho hay.

Theo lãnh đạo Cục đường bộ Việt Nam, việc xem xét quy định niên hạn sử dụng đối với xe tập lái và xe sát hạch nhằm hiện đại hóa cơ sở vật chất trong hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe, bảo đảm quyền và lợi ích của người học và dự sát hạch lái xe, góp phần tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông là cần thiết.

“Tất nhiên, qua khảo sát chúng tôi thấy số xe cần thay thế tại các trung tâm rất lớn khoảng hơn 11.200 xe. Kinh phí đầu tư thay mới xe cũ mất trên 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc học viên được thực hành trên phương tiện mới sẽ giảm số lượng người chết và bị thương dẫn đến giảm chi phí xã hội…”- Cục Đường bộ cho hay.

Bộ GTVT cho biết, so với pháp luật hiện hành, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phát sinh ba hạng giấy phép lái xe gồm:

Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW.

Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500 kg đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg.

Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg.

Theo đó, các cơ sở đào tạo lái xe và các trung tâm sát hạch lái xe cần bổ sung xe tập lái và xe sát hạch để đáp ứng yêu cầu điều kiện về cơ sở vật chất. Cụ thể, trường hợp mỗi cơ sở đào tạo lái xe bổ sung tối thiểu 1 xe/1 hạng số kinh phí cần đầu tư đối với hạng A1 là 8,160 tỉ đồng, hạng C1 là 147,2 tỉ đồng; hạng D là 294,4 tỉ đồng…

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-gtvt-sua-nhieu-quy-dinh-ve-dao-tao-sat-hach-lai-xe-post809616.html