Bỏ hàng tỉ đồng mua chung cư mini nhưng không có hệ thống PCCC, người dân cần làm gì?
Theo luật sư, bước đầu, người dân cần tự trang bị cho căn hộ, tòa nhà chung cư mini hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy. Sau đó đề nghị chủ đầu tư trang bị đầy đủ hệ thống PCCC, xin cấp phép PCCC như đã giao kết trong hợp đồng đúng như thỏa thuận và đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, không ít người mua chung cư mini ở Hà Nội đã bị "ngó lơ" về vấn đề đảm bảo an toàn PCCC mặc dù có sự giao kết bằng. Đơn cử như chung cư mini số 55 (ngõ 20 đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm).
Ngày 22/9, luật sư Chu Quỳnh Vương - Văn phòng Luật sư Trung hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm với Chuyên trang Gia đình & Xã hội về góc độ pháp lý chung cư mini.
'Lận đận' từ cái tên chung cư mini
Có lẽ hiếm có loại hàng hóa nào lại 'lận đận' như phân khúc nhà có cái tên được nhiều người vẫn quen gọi là 'chung cư mini'. Khái niệm này xuất hiện từ những năm 2008-2009 ở nước ta và đi vào đời sống dân sinh từ đó đến nay.
Luật sư Chu Quỳnh Vương khẳng định, pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể về chung cư mini.
Tuy nhiên căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 thì "chung cư mini" là nhà ở do cá nhân hoặc hộ gia đình xây dựng trên đất của mình, có từ 2 tầng trở lên, mỗi tầng được bố trí 2 căn hộ trở lên, diện tích mỗi căn chung cư mini có diện tích khoảng 30 – 60m².
Chung cư mini có phải xin phép giấy phép PCCC không?
Căn cứ theo quy định tại phụ lục IV và phụ lục V ban hành kèm Nghị định 136/2020/NĐ-CP có đề cập đến PCCC chung cư, luật sư Chu Quỳnh Vương cho rằng, "chung cư mini" dù cao dưới 5 tầng hay trên 7 tầng thì đều phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Nếu chung cư mini cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên thì chủ sở hữu chung cư đó phải xin giấy phép PCCC.
Yêu cầu về PCCC với chung cư mini như thế nào?
Luật sư Vương cho biết, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về điều kiện an toàn về PCCC, yêu cầu về PCCC các chung cư mini được quy định rất rõ đối với từng trường hợp nhà chung cư như: có hệ thống PCCC, có giấy chứng nhận PCCC, phương án PCCC, phân công nhiệm vụ cho người làm công tác PCCC…
Tuy nhiên, hiện nay, lợi dụng sự buông lỏng quản lý, chủ đầu tư đã không tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng, PCCC.
Luật sư Vương cho rằng, các hộ gia đình, cá nhân vi phạm đã thực hiện xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở hoặc xây dựng nhà ngăn phòng cho thuê để ở không tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng, PCCC như: xây dựng không theo quy hoạch, xây dựng không phép, sai phép, xây dựng nhà ở không bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC;
Tự ý thiết kế nâng tầng bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ nhằm mục đích cho thuê, mua bán, chuyển nhượng...
Điều này là vi phạm các quy định về PCCC dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản.
Trường hợp xảy ra hỏa hoạn chung cư mini, ai chịu trách nhiệm?
Khi đưa chung cư mini vào kinh doanh sử dụng mà không có đầy đủ hệ thống PCCC cũng như là chưa được cấp giấy phép PCCC mà xảy ra hỏa hoạn thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu do họ đã vi phạm Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy.
Tiếp đó, nếu biết chung cư chưa có văn bản chấp nhận kết quả nghiệm thu về PCCC mà các cơ quan Nhà nước không kiểm tra xử lý thì có trách nhiệm liên đới.
Trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra PCCC?
Theo quy định tại điều 58 Luật PCCC 2001 (sửa đổi năm 2013), Khoản 3 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy, gồm: Chính phủ, Bộ Công an, Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp.
Luật Phòng cháy chữa cháy cũng quy cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.
- Bộ Công an hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc chấp hành các quy định về PCCC.
- UBND cấp tỉnh, huyện: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy ở địa phương và có nhiệm vụ cụ thể sau đây: Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy tại địa phương; xử lý hành chính các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.
- UBND cấp xã: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy ở địa phương và có nhiệm vụ cụ thể sau: Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy tại địa phương;
Bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư; xử lý hành chính các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.
Người dân phải làm gì khi mua phải chung cư mini không có hệ thống PCCC, không có giấy phép PCCC?
Luật sư Chu Quỳnh Vương cho biết, trước mắt, để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người dân xung quanh thì bản thân những chủ sở hữu chung cư mini phải trang bị cho căn hộ của mình, tòa nhà của mình hệ thống PCCC như: Hệ thống báo cháy (đầu báo khói, đầu báo nhiệt, công tắc khẩn…);
Hệ thống chữa cháy (bình chữa cháy, tủ đựng thiết bị PCCC, thiết bị y tế, hệ thống thoát hiểm…).
Đồng thời phải tự nâng cao ý thức của người dân về việc PCCC (niêm yết nội quy PCCC, tuyên truyền cách thức sử dụng hệ thống chữa cháy…).
Sau đó, người dân đề nghị chủ đầu tư trang bị đầy đủ hệ thống PCCC, xin cấp giấy phép PCCC để đảm bảo tiêu chuẩn sử căn hộ, thực hiện giao kết trong hợp đồng đúng như thỏa thuậ và đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cụ thể là các đơn vị công an PCCC thuộc công an quận, huyện, UBND các cấp về việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm về PCCC (nếu có).
Cuối cùng, hoàn thiện hệ thống PCCC và xin cấp phép PCCC để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng chung cư mini.
Song song đó là cần phải thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống PCCC để đảm bảo an toàn tuyệt đối tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trước đó, Chuyên trang Gia đình & Xã hội đang thông tin, khoảng 10 năm nay, hơn 150 cư dân ở chung cư mini 55 (ngõ 20 phố Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang trong cảnh tìm cách "tự cứu lấy mình" vì bị chủ đầu tư, chính quyền ngó lơ về an toàn PCCC trong tòa nhà.
Chung cư này có 2 tòa nhà A và B với tổng diện tích mặt sàn khoảng 500m2, mỗi tòa 7 tầng, 1 tầng lửng. Hiện, có 50 hộ dân đang sinh sống tại đây với số lượng 150 – 160 nhân khẩu.
Mặc dù chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho cư dân thông qua văn bản thỏa thuận mua bán căn hộ (chỉ công chứng, không đồng sở hữu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nhưng từ năm 2011 đến nay, hàng trăm cư dân ở đây bị chủ đầu tư, chính quyền địa phương bỏ ngỏ về vấn đề an toàn PCCC. Từng ấy thời gian, cư dân nơi đây tự đóng góp tiền để sắm các bình bột chữa cháy tạm thời, tiêu lệnh chữa cháy…
Năm 2020, mặc dù UBND huyện Từ Liêm đã cấp Giấy phép xây dựng cho chung cư này xây dựng nhà ở 6 tầng 1 gác lửng nhưng thực tế hiện nay, chung cư này được xây đến 8 tầng.
Đại diện chủ đầu tư là ông Hà Quang Giáp thừa nhận, chung cư mini số 55 tại ngõ 20 Mỹ Đình do nhiều cá nhân đồng sở hữu và là chủ đầu tư.
Năm 2011, các chủ đầu tư đã thực hiện việc bán nhiều căn hộ tại đây cho người dân và chưa thực hiện thủ tục pháp lý cho người dân đồng sở hữu Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền trên đất, mà chỉ dừng lại ở việc thực hiện văn bản thỏa thuận mua bán căn hộ giữa các cá nhân là chủ đầu tư với người mua.
Trước câu hỏi của phóng viên là tại sao Giấy phép xây dựng cấp cho các chủ đầu tư là công trình nhà ở, cấp 6 tầng 1 tum, tại sao chủ đầu tư lại xây dựng đến 7 tầng 1 tum và chia tách căn hộ để mua đi bán lại, đưa người mua vào thế rủi ro cả về pháp lý lẫn tính mạng, ông Giáp cho biết: "Cái này phải hỏi chính quyền địa phương vì bản thân đầu tư đã lâu mà không trực tiếp ở công trình nên không nhớ".
Về vấn đề PCCC, ông Giáp cũng thừa nhận chung cư mini 55 chưa đảm bảo về an toàn PCCC. Ông Giáp cho biết, trước mắt, các chủ đầu tư đồng sở hữu sẽ lên phương án giải quyết vấn đề trang thiết bị phòng cháy.